menu search
Đóng menu
Đóng

Chất liệu, công nghệ - Yếu tố quan trọng ngành may Việt bắt kịp xu hướng thế giới

08:00 11/07/2018

Vinanet -Theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì ngành dệt may cần tăng tốc và đổi mới để tạo ra nền tảng thúc đẩy nhanh cũng như bắt kịp xu hướng thế giới.
Chất liệu và công nghệ - Yếu tố quan trọng để ngành may Việt bắt kịp xu hướng thế giới Việt Nam ngày càng chú trọng tới sản phẩm sợi len cao cấp Áp dụng chỉ số HIGG trong xây dựng thương hiệu ngành dệt may Doanh nghiệp dệt may lao đao vì hàng giả, hàng nhái Ngành nhựa còn nhiều dư địa tăng trưởng
Bàn về vấn đề đổi mới của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS)- cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào dệt may là điều cần thiết. Để hỗ trợ DN, chúng tôi đã hợp tác với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) trong việc trao đổi kinh nghiệm và công nghệ nhằm giúp các DN dệt may Việt Nam có góc nhìn bắt kịp xu hướng.
Chia sẻ tại hội thảo “Kỹ thuật dệt may KITECH - VITAS lần thứ 4” diễn ra ngày 27/6, ông Nam Seung Il, Giám đốc Nghiên cứu về kinh doanh thời trang thuộc Tập đoàn E-Land (Hàn Quốc) -cho biết, trong ngành thời trang, quan trọng hơn hẳn vẫn là chất liệu. Bởi vậy, đầu tư cho chất liệu là yếu tố quan trọng của ngành sản xuất vải. Hiện nay, xu hướng chất liệu vải được ứng dụng trong ngành thời trang theo hướng tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Cũng theo ông Nam Seung Il, ban đầu, thị trường vốn chuộng loại vải cotton để may các trang phục vào mùa hè song gần đây có khuynh hướng chuyển sang dùng các loại vải có công nghệ kết hợp sợi nano, giúp mau khô mồ hôi và tạo cảm giác mát mẻ trên da nhờ các sợi chỉ sản xuất công nghệ đặc biệt.
Theo các chuyên gia ngành may, ngày nay, thời trang đang có xu hướng không còn theo mùa, mà chuyển dần sang hướng thời trang theo thời gian, vòng đời của mốt chỉ từ 4-5 tuần. Vì thế các nhãn hàng sẽ phải lập nhà máy sản xuất ngay tại thị trường tiêu thụ nhằm rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Và trong xu thế này công nghệ sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho nhà sản xuất.
Ông Kwang Il Kim chuyên gia tư vấn chiến lược và Marketing của Tập đoàn CLO Virtual Fasshion Inc- cho hay, trong công đoạn may, quy trình có thể được thiết lập trên phần mềm. Theo đó, kế hoạch sản xuất cho cả dây chuyền được phân tích cụ thể, từ việc phân bổ chỉ tiêu và theo dõi quá trình sản xuất từ cắt, may, đóng gói. Hệ thống phần mềm có chức năng tính toán luôn cho người sản xuất biết rõ về nhu cầu cần về ngày công và nhân công cần thiết để đáp ứng cho số lượng đơn hàng.
“Công nghệ 3D giúp rút ngắn thời gian trong việc lên bảng vẽ mẫu, thay vì mất 2-3 tuần thì giờ đây chỉ cần vài giờ, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng của xu hướng thời trang nhanh hiện nay. Như vậy, các DN dệt may có điều kiện tiếp nhận nhiều đơn hàng hơn trước”, ông Kwang Il Kim nói.
Có thể nói, việc bắt kịp xu hướng vải, công nghệ mới tiên tiến hiện nay sẽ là yếu tố quan trọng và cần thiết giúp DN may của Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng thế giới cũng như tăng giá trị cho sản phẩm.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử