menu search
Đóng menu
Đóng

Chỉ số ngành công nghiệp tháng đầu năm giảm: Cộng hưởng từ nhiều yếu tố

07:47 29/01/2019

Vinanet -Theo số liệu của Cục thống kê TP Hà Nội vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của TP ước tính tháng 1 chỉ bằng 98,1% so tháng trước. Đây là quy luật của hầu hết các năm, tháng đầu tiên năm sau đều giảm mạnh so với tháng cuối năm trước.

Tốc độ nhiều ngành giảm
Nguyên nhân chủ yếu do các DN đẩy mạnh sản xuất trong tháng 12 để dự trữ hàng phục vụ Tết. Trong đó, công nghiệp khai khoáng (chiếm tỷ trọng không đáng kể trong toàn ngành công nghiệp) tăng 0,6% so tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước giảm 3,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải giảm 11,5%...
Tuy nhiên, so với tháng 1 cùng kỳ năm trước, IIP tháng 1 năm nay tăng 6,2%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 23,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước tăng 8,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải tăng 8,1%. Nhóm ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp với xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và so với cùng kỳ.
Ngoài một số lĩnh vực tăng trưởng này, một số ngành công nghiệp chủ yếu khác trên địa bàn Hà Nội trong tháng này có xu hướng giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ do hầu hết các DN đã tập trung toàn lực cả về chi phí và nhân công trong tháng 12 để chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán, sang tháng 1 các DN sản xuất chậm lại. Đó là yếu tố làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của chỉ số toàn ngành công nghiệp. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,9% so với tháng trước và giảm 6,4% so cùng kỳ; sản xuất kim loại giảm 8,8% so tháng trước và 6,9% so cùng kỳ; sản xuất thiết bị điện giảm 4,5% và giảm 5,3%.
Một số khó khăn về thị trường
Bên cạnh đó, một số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1 gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc do sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Đá xây dựng giảm 23,8%; phân bón các loại giảm 10,9%; thuốc chứa Penixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 35,4%; cửa sổ, cửa ra vào bằng plastic giảm 18,5%; bê tông trộn sẵn giảm 10,7%; máy biến thế điện có công suất > 500 kVA, giảm 43,7%; ghế có khung bằng kim loại giảm 16,3%...
Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong tháng 1 dự kiến tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so cùng kỳ năm 2018. Một số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ: Công nghiệp dệt tăng 42,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 4,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 34%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 6%...
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ thấp hơn so với cùng kỳ là sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,3%; sản xuất đồ uống giảm 3,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 4,4%; sản xuất trang phục giảm 15,1%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 7,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 40%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 34,5%; sản xuất kim loại giảm 5,3%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 12,6%... Do tháng 1 năm nay là cao điểm tập trung hàng phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, TP Hà Nội là nơi tập trung hàng hóa phân phối đi các tỉnh trong cả nước do đó chỉ số tồn kho ngành công nghiệp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tháng này tăng khá cao 11,4% so với tháng trước và 25,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số ngành sản xuất có chỉ số tồn kho tăng mạnh như sản xuất đồ uống tăng 8,6% so với tháng 12 năm 2018 và tăng 116,1% so với cùng kỳ năm 2018; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 36,2% và tăng 132,2%; sản xuất trang phục tăng 12,2% so tháng trước và tăng 132,1% so cùng kỳ; sản xuất xe có động cơ tăng 29,1% và tăng 84%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 15,2% và 178,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 106,5% so tháng trước và 100,6% so cùng kỳ...
Trong tháng 1, tình hình sử dụng lao động trong các DN giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước nhưng tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong khi tỷ lệ sử dụng lao động tập chung chủ yếu ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,4% so cùng kỳ; khối DN ngoài quốc doanh tăng 0,9% so cùng kỳ thì khối DN Nhà nước giảm 1,3% so cùng kỳ theo chính sách cổ phần hóa các DN Nhà nước.

Nguồn: Kinh tế đô thị