menu search
Đóng menu
Đóng

Chuỗi cung ứng cho ngành ôtô Mỹ lao đao vì thuế của Trump

06:00 21/01/2019

Vinanet -Bob Roth không thể giấu được cảm xúc của ông khi nói về ngành sản xuất của Mỹ.
Nhà đồng sở hữu, cũng đang là giám đốc điều hành của RoMan Manufacturing Inc, công ty chuyên sản xuất máy biến áp và thiết bị tạo hình thủy tinh phục vụ trong các nhà máy sản xuất xe hơi cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, đã đặt một câu trả hỏi trên hộp thư thoại mỗi khi có cuộc gọi đến: “Hôm nay bạn đã làm gì để hỗ trợ nền sản xuất của Mỹ?”.
Bộ phận mua sắm của công ty từ lâu đã tiến hành tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên vật liệu nằm càng gần nhà máy tại phía tây bang Michigan càng tốt, nhất là trong bối cảnh chính quyền tổng thống Trump đã gia tăng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Với tình trạng mức thuế nhập khẩu tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm mới và chi phí thép chiếm đến 1/4 chi phí cố định của RoMan, Roth cho biết công ty đang khởi động một quá trình dài hơi khi thực hiện nhập khẩu các bộ phận cấu thành nên các sản phẩm của công ty từ một doanh nghiệp Israel thay vì sử dụng các nhà cung cấp nội địa như trước kia.
Đó là môt quyết định mang tính chiến lược mà RoMan cũng như hàng loạt các công ty sản xuất xe hơi khác đã trì hoãn kể từ khi cuộc chiến thuế quan chính thức nổ ra hồi đầu năm ngoái. Với thuế nhập khẩu giờ đây như một yếu tố gắn liền với bức tranh kinh tế, một số nhà sản xuất xe hơi đã có thay đổi trong chuỗi cung ứng nhằm kiểm soát tốt hơn chi phí, theo thông tin thu thập được từ hàng loạt các cuộc phỏng vấn với đại diện các công ty sản xuất ôtô cũng như nhiều chuyên gia tư vấn trong ngành.
Có nhiều sự lựa chọn mà các nhà cung cấp có thể áp dụng: chấp nhận tăng chi phí, chuyển phần tăng đó sang khách hàng hoặc tìm cách để giảm chi phí nguyên vật liệu.
Quy trình sản xuất máy biến áp của Roth tại RoMan đòi hỏi phải sử dụng lõi thép từ tính, sản phẩm giờ đây đã trở nên đắt đỏ hơn bởi mức thuế nhập khẩu leo thang đã cho phép các nhà cung cấp có lý do để tăng giá sản phẩm. Đối tác đến từ Irsael có thể tiếp cận được nguồn cung cấp nguyên liệu rẻ hơn và lõi thép của họ đáp ứng được các yêu cầu của RoMan, họ cũng không chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan khiến cho sản phẩm của công ty này là một sự thay thế “sáng giá”.
“Chúng tôi không có đủ nguồn lực tài chính để có thể đi theo hướng đó”, Roth nói về RoMan, công ty có doanh thu hàng năm chỉ khoảng 35 triệu USD. “Trong dài hạn, chúng tôi không thể “hấp thụ” khoản chi phí tăng lên do thuế nhập khẩu tăng cao”.
Roth cho biết ông rất trân trọng chủ đích của Tổng thống Trump nhằm mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cũng như việc làm cho ngành sản xuất của nước Mỹ, nhưng tăng thuế nhập khẩu là một “biện pháp sai lầm” vì nó sẽ có tác động tiêu cực lên các công ty Mỹ.
Công ty tư vấn Trade Partnership Worldwide LLC ước tính trong mùa hè năm 2018, 5.000 việc làm trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi đã bị cắt giảm trên tổng số 400.000 việc làm mất đi khi thuế nhập khẩu kim loại tăng lên. Cứ một công nhân xử lý thép và nhôm được thuê thêm thì có đến 16 công nhân khác bị mất việc. Nhưng thông tin về những tác động của hàng rào thuế quan lên các doanh nghiệp như RoMan vẫn còn rất hạn chế vì sự thay đổi các đơn vị cung cấp là một quá trình dài hạn và rất nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu tham gia vào tiến trình này.
Steven Wybo, giám đốc điều hành công ty tư vấn Conway MacKenzie cho biết “các nhà sản xuất xe hơi mà chúng tôi đang làm việc cùng đều bảy tỏ quan ngại về vấn đề thuế quan” và ông tỏ ra khá lo lắng khi điều đó xảy ra đúng thời điểm mà ngành công nghiệp này đang gặp muôn vàn khó khăn.
Các công ty cung ứng đang chuẩn bị cho lượng lớn xe hơi có thể tung ra thị trường trong vòng 3 năm tới. Đó là một canh bạc lớn, trong bối cảnh họ cũng đang đối mặt với sự sụt giảm doanh số xe mới bán ra tại thị trường Mỹ. Một vài công ty trong ngành đã buộc phải tái cấu trúc lại danh mục sản phẩm như trường hợp của Ford Motor Co và General Motor, cắt giảm sản lượng những mẫu xe con kém thịnh hành.
Để đối phó với hàng loạt các trở ngại, các công ty đòi hỏi phải có một cách tiếp cận thông minh.
RoMan là một ví dụ khi đã chia sẻ một nửa con số 10% thuế nhập khẩu máy biến áp (biện pháp Trung Quôc áp dụng nhằm trả đũa ngành sản xuất của Mỹ) với khách hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Công ty sẽ tăng giá sản phẩm lên khoảng 2% trong tháng này nhằm phần nào bù lại chi phí nguyên liệu đồng tăng cao.
Công ty Eckhart Inc có trụ sở tại Warren, bang Michigan, với doanh thu lên đến 100 triệu USD hàng năm khi là nhà cung cấp robot và máy tự động cho các công ty lớn như GM, Volvo, Tesla Inc cũng như nhiều nhà sản xuất xe hơi khác, buộc phải “nuốt trọn” mức tăng thuế quan hoặc sẽ mất lợi thế trong những buổi đấu thầu.
Eckhart đã tập trung cắt giảm chi phí, trong đó bao gồm xây một dây chuyền thu mua nguyên liệu mới tại Mỹ, CEO Andrew Storm cho biết.
Vấn đề này đang làm đau đầu các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của các đơn vị sản xuất xe hơi. Ford và GM đã đưa ra những cảnh báo rằng thuế nhập khẩu các mặt hàng kim loại sẽ làm lợi nhuận của họ giảm đi 1 tỷ USD mỗi năm, và đặt ra một câu hỏi hóc búa rằng ai sẽ là người “hứng chịu” sự gia tăng chi phí đó?
Nếu như các nhà sản xuất xe hơi chấp nhận chi phí tăng cao do thuế nhập khẩu, họ thường tăng giá sản phẩm để có thể đẩy gánh nặng đó cho khách hàng. Chỉ trong tuần này, giám đốc Toyota Motor Corp cho biết việc thuế nhập khẩu gia tăng trong ngành đã khiến giá xe trung bình tại thị trường Mỹ tăng khoảng 600 USD.
Peter Bible, giám đốc bộ phận phân tích rủi ro tại công ty tư vấn thuế Eisner Amper, nguyên kế toán trưởng tại GM cho biết: các nhà cung cấp linh kiện cho những mẫu xe hơi kém phổ biến có thể gặp nhiều khó khăn khi chi phí tăng cao. Các nhà sản xuất xe hơi dĩ nhiên là sẽ hạn chế ít nhất việc tăng giá và đó cũng là gánh nặng đè lên vai những nhà cung cấp linh kiện, Bible chia sẻ.
Ngoài những nguyên chủ quan nhân trên, các đơn vị cung cấp linh kiện cũng phải đối mặt với các rủi ro không thể lường trước. Tháng 5 vừa qua, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một đơn vị cung cấp linh kiện cho Ford khiến cho công suất sản xuất một vài mẫu xe bán tải ăn khách của hãng giảm đi một nửa.
Một vài đơn vị cung cấp đã thích ứng rất nhanh nhằm hạ chi phí.
Gentherm Inc, công ty chuyên cung cấp hệ thống điều hòa cho xe hơi với doanh thu năm 2017 lên đến 1 tỷ USD, chịu mức thiệt hại “chỉ vài triệu USD”, theo CEO Phil Eyler.
“Chúng tôi đã phải gấp gáp làm việc để thay đổi nhà cung cấp trong một vài tình huống”, ông cho biết thêm.
Mark Walkfield, giám đốc điều hành của công ty tư vấn AlixPartners, chia sẻ rằng các nhà cung cấp các loại hàng hóa giống nhau thì sẽ khó khăn hơn để có thể thích ứng với tình hình hiện tại.
Đó là trường hợp của Pridegeo & Clay, một công ty có trụ sở tại Grand Rapids, bang Michigan, chuyên cung cấp các bộ phận thép dập khuôn và thép không gỉ cho các nhà sản xuất xe hơi với doanh thu hàng năm vào khoảng 350 triệu USD.
Người điều hành thế hệ thứ 3 của công ty Kevin Clay đã “đánh rơi” mối quan hệ kinh doanh của công ty vào tay các nhà cung cấp đến từ Ấn Độ khi họ có mức thuế nhập khẩu thép rẻ hơn và các sản phẩm của họ không thuộc diện tăng thuế của Tổng thống Trump.
Thuế nhập khẩu kim loại đã khiến lợi nhuận trước thuế của Clay giảm đi 1/4. Các ngân hàng đang rất đắn đo khi cho công ty vay tiền vì họ luôn lo ngại về ngành sản xuất này kể từ sau thời kỳ đại suy thoái. Công ty đã phải cho tạm dừng một vài kế hoạch tài chính và cắt giảm việc làm nhiều hơn so với các năm trước, theo Clay.
“Thuế nhập khẩu đã có những tác động không nhỏ lên tình hình kinh doanh của công ty”, Clay chia sẻ. Ông miêu tả mình là một người khá bảo thủ và có niềm tin mãnh liệt vào thương mại tự do. “Nếu như mục đích sau cùng là tạo ra một thế giới phi thuế quan, con đường đi đến mục tiêu đó thật không hề dễ dàng”.
Nguồn: Trọng Đại theo Reuters/ndh.vn