menu search
Đóng menu
Đóng

Tổn thất điện năng của Việt Nam so với các nước trên thế giới

06:00 19/03/2019

Vinanet -Tổn thất điện năng của mỗi nước phụ thuộc đặc điểm hệ thống điện, cấp điện áp, mức độ đầu tư dây dẫn, thiết bị, khoảng cách truyền tải... Các nước khác nhau, hệ thống điện có đặc thù riêng, nên so sánh tổn thất điện năng giữa các quốc gia chỉ là tương đối. Với đặc thù địa hình dài, hẹp, phụ tải điện lại tập trung ở vùng đồng bằng miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, nhưng khi so sánh chỉ tiêu tổn thất điện năng, Việt Nam đã đạt mức tiên tiến thế giới.
Điện năng hao phí trong quá trình truyền tải điện từ các nhà máy điện đến các hộ tiêu thụ điện gọi là tổn thất điện năng. Trong hệ thống điện, tổn thất điện năng phụ thuộc vào đặc tính của mạng điện (đường dây, máy biến áp và các thiết bị trên lưới điện), lượng điện truyền tải và hiệu quả điều khiển vận hành của đơn vị quản lý... Nếu lưới điện yếu mà phải truyền tải nhiều sẽ có tổn thất điện năng cao và ngược lại, lưới điện được đầu tư tốt, tải lượng điện năng phù hợp theo các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật sẽ có tổn thất điện năng nhỏ.
Ngoài ra, hệ thống nguồn điện càng xa trung tâm phụ tải thì tổn thất điện năng sẽ càng cao; phụ tải càng tập trung và càng gần nguồn điện thì tổn thất điện năng sẽ thấp, v.v...
Tổn thất điện năng của mỗi nước phụ thuộc đặc điểm hệ thống điện, cấp điện áp, mức độ đầu tư dây dẫn, thiết bị, khoảng cách truyền tải... Các nước khác nhau, hệ thống điện có đặc thù riêng, nên so sánh tổn thất điện năng giữa các nước chỉ là tương đối.
Tổn thất điện năng năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt 6,83%, thực hiện tốt hơn kế hoạch đề ra và hoàn thành trước 1 năm so với chương trình giảm tổn thất điện năng 2016 - 2020 (kế hoạch được duyệt năm 2019 là 6,9%).
Tổn thất điện năng trên lưới điện Việt Nam đã giảm thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapo và Thái Lan) và giảm khá tốt so sánh với các nước trên thế giới.
Theo các số liệu thu thập gần đây, tổn thất điện năng của Việt Nam đã thấp hơn một số nước phát triển như: Liên bang Nga (10%), Vương quốc Anh (8,3%), Canada (8,7%) Ấn Độ (18%), Brazin (15%), Hongkong (12%), Hunggari (12%), Rumani (10%), Ukraina (10%), Tây Ban Nha 9,5%.... Trong khu vực, tổn thất điện năng của Việt Nam thấp hơn các nước khác như Indonesia (9,0%) Philipine (9,2%), ... Cụ thể như sau:

(*) Số liệu tham khảo của WB data.
Theo thống kê từ năm 1960 - 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB), khảo sát tại 149 quốc gia trên thế giới, trung bình tổn thất điện năng trong 3 năm 2012 - 2014 là 13,3%, trong đó các nước thuộc khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 6,3%; các nước thu nhập trên trung bình là 8,9%; các nước thu nhập trung bình như Việt Nam là 10,2%. Qua so sánh, có thể nói, chỉ tiêu tổn thất điện năng của Việt Nam đã đạt mức tiên tiến thế giới.
Trong những năm gần đây, EVN đã thực hiện rất hiệu quả chương trình giảm tổn thất điện năng. Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước, đồng thời sự đồng lòng quyết tâm và nỗ lực thực hiện chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng của lãnh đạo EVN và tất cả cán bộ công nhân viên các đơn vị trong Tập đoàn, EVN đã giảm tổn thất điện năng từ 10,15% năm 2010 xuống 7,94% năm 2015 (giảm được 2,21%), hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012. Tiếp tục chương trình giảm tổn thất điện năng đến năm 2018, EVN đã thực hiện giảm tổn thất điện năng xuống dưới 6,83% hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Với đặc thù địa hình dài trên 2.000 km và hẹp của nước ta, phụ tải điện lại tập trung ở vùng đồng bằng miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, phụ tải miền Trung chỉ dưới 10% cả nước, nhiều nguồn điện lại nằm xa tâm phụ tải, nên lưới điện cần phải đầu tư lớn, có nhiều khoảng cách truyền tải xa. Mạng lưới điện của Việt Nam đã phát triển nhanh cả về quy mô, về chất lượng kỹ thuật, cũng như khả năng vận hành hiệu quả để đáp ứng nhu cầu điện. Đến nay lưới điện Việt Nam đã thuộc loại lớn trên thế giới. Việc đưa chỉ tiêu tổn thất điện năng xuống mức tiên tiến thế giới hoàn toàn không phải là việc dễ làm, và đây là nỗ lực lớn, thể hiện hiệu quả sản xuất cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên.
Ths. Nguyễn Anh Tuấn - Hội đồng phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam