menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ - tháng 10/2020

19:00 16/10/2020

Chiều 16/10/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức Họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2020, và giải đáp một số vấn đề đang được dư luận quan tâm. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương - đã chủ trì cuộc họp.
 
Tình hình kinh tế, sản xuất và thương mại
Thông tin nhanh tại Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 bắt đầu khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,3 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Cung cầu các hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định trong 9 tháng đầu năm 2020. Tổng mức b án lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6%.
Về giả pháp chủ yếu trong các tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu Thủ trưởng các Đơn vị thuộc Bộ quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn; Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Giải đáp một số vấn đề dư luận đang quan tâm
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ chứa
Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT), Phó Cục trưởng Phụ trách, ông Tô Xuân Bảo, cho biết, trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các việc đảm bảo an toàn hồ chứa. Thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã ban hành một loạt văn bản tập trung vào vấn đề đánh giá và yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo các vấn đề về an toàn hồ chứa.
Liên quan đến vấn đề xả lũ, Bộ cũng đã chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ. Tuy nhiên, đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập về phía hạ du.
Đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo phòng lũ. Khi có sự cố, các thủy điện phải báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh để xin phép lệnh điều hành có xả, duy trì mực nước đón lũ để khi lũ về làm chậm, giảm lượng nước về phía hạ du.
Trong các đợt lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều ban hành công điện chỉ đạo điều hành các hồ chứa triển khai các giải pháp ứng phó mùa lũ, yêu cầu vận hành đúng quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn hạ du. Khi xả lũ, các hồ thủy điện đều phải phối hợp chặt với chính quyền địa phương và có cảnh báo cho các khu dân cư ở hạ du.
Ban chỉ huy PCTT & TKCN của Bộ Công Thương hàng ngày cũng thường xuyên kết nối với cơ sở dữ liệu để thường xuyên theo dõi nguồn nước, mực nước về hồ để có điều hành cụ thể, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, rà soát các vấn đề, nhất là ứng phó thiên tai, lường trước các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ chứa.
Chuỗi cung ứng đã dần được phục hồi
Đại diện Cục Công nghiệp, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Thành cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành điện tử, dệt may, da giày là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Sau Quý I năm nay, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi. Đến nay, chuỗi nguồn cung đã gần như trở lại như cũ. Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn sau đại dịch về nguồn tiêu thụ sản phẩm như: kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế; bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành như dệt may, gạo, da giày nhằm đáp ứng nguồn cung để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020... Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ cũng đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, doanh nghiệp của nước ngoài tránh tình trạng đứt gãy kết nối với doanh nghiệp, giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với các đối tác mới, thị trường mới. Về thuế, phí, Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ các chính sách tháo gỡ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, lùi thời hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, tận dụng các cơ hội khi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực...
Công tác quản lý thị trường trong dịp cuối năm
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, trên thực tế, công tác chống buôn lậu, kiểm soát thị trường được QLTT triển khai quanh năm liên tục. Những cuối năm, tình hình buôn bán, hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp hơn, nhất là năm nay là năm diễn ra dịch Covid, chủ yếu tập trung hàng y tế. Thời điểm này, việc chuẩn bị hàng hóa dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền cũng được đẩy mạnh, do đó, hàng hóa cần kiểm soát chặt hơn.
Trước tình hình hàng giả diễn biến phức tạp, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT tiếp tục triển khai các chương trình kế hoạch của Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Ban chỉ đạo tập trung vào các mặt hàng nóng trọng điểm như thuốc lá điếu, xì gà rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… vì đây là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ…
Cũng liên quan đến tình hình cung ứng hàng hoá, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên bám sát tình hình cung cầu giá cả, đồng thời phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng…để có thể ưu tiên kịp thời, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong thời gian tới.
Đánh giá sơ bộ hiệu quả EVFTA kể từ khi có hiệu lực
Đại diện Cục Cục Xuất nhập khẩu, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho biết, tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.
Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Qua 2 tháng, các tổ chức được ủy quyền đã cấp 20.680 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 830 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Điển hình, mặt hàng giày dép có kim ngạch xuất khẩu sang EU được cấp C/O là 385 triệu USD, thủy sản 118 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa khoảng 48 triệu USD. Đó là những kết quả tích cực, cho thấy việc EVFTA có hiệu lực vào thời điểm này là khá kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong bối cảnh chúng ta đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19
 

Nguồn:VITIC