menu search
Đóng menu
Đóng

Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm

11:39 12/01/2019

Vinanet -Ngày 18 tháng 10 năm 2018, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) - Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình,có mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.29.90.

Ngày 10 tháng 01 năm 2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 

33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nêu trên xuất xứ từ Trung Quốc.
Một số thông tin về vụ việc:
1. Bên yêu cầu:
- Công ty CP Nhôm Austdoor;
- Công ty CP Nhôm Sông Hồng;
- Công ty TNHH Tung Yang; và
- Công ty CP Tập đoàn Mienhua.
2. Hàng hóa bị điều tra
Sản phẩm nhôm hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình (sản phẩm nhôm thanh định hình) thuộc các mã HS: 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90 có xuất xứ từ Trung Quốc.
3. Thời kỳ điều tra
- Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá: từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018.
- Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước: từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018.
4. Căn cứ tiến hành điều tra
Căn cứ hồ sơ yêu cầu và các nguồn thông tin Cơ quan điều tra thu thập được, theo quy định tại Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương, Cơ quan điều tra xét thấy đủ điều kiện để tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo đền ghị của Bên yêu cầu, cụt hể:
-Bên yêu cầu đáp ứng đủ điều kiện để được coi là đại diện của ngành sản xuất trong nước;
- Bên yêu cầu cung cấp được cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc;
- Bên yêu cầu cung cấp được các thông tin hợp lý chứng minh các dấu hiệu về thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
5. Đăng ký tiếp cận thông tin liên quan
Trường hợp muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai về vụ việc, các tổ chức, cá nhân cần gửi đơn đăng ký làm bên liên quan đến Cơ quan điều tra muộn nhất vào 17h00 ngày 28 tháng 02 năm 2019.
Cơ quan điều tra khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
6. Thuế chống bán phá giá tạm thời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoạit hương về các biện pháp phòng vệ thương mại (“Nghị định 10/2018/NĐ-CP”), Bộ Công Thương có thể ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng hóa bị điều tra căn cứ theo kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra.
7. Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 45 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa bị áp thuế trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Vì vậy, Cơ quan điều tra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Thông tin chi tiết về vụ việc được đăng tải trên website của Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại, hoặc có thể liên hệ theo địa chỉ dưới đây:
Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp
Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (+84 24) 73037898
Email: ducpg@moit.gov.vn; ninhtt@moit.gov.vn
Cán bộ điều tra phụ trách vụ việc:
Anh Phùng Gia Đức: (+84 24) 73037898 (máy lẻ: 125); email: ducpg@moit.gov.vn.
Anh Tô Thái Ninh: (+84 24) 73037898 (máy lẻ: 124); email: ninhtt@moit.gov.vn.