menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG sáng 17/5: Giá dầu, vàng và cà phê đồng loạt tăng

12:24 17/05/2018

Vinanet - Phiên giao dịch 16/5 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 17/5 giờ VN), giá nhiều mặt hàng chủ chốt tăng.
Đồng USD duy trì ở mức cao nhất 5 tháng trong phiên vừa qua do Triều Tiên cảnh báo sẽ hủy hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore. Dollar index, thước đo biến động giá trị của đồng USD so với giỏ gồm sáu đồng tiền chủ chốt khác, kết thúc phiên ở mức 93,24 sau khi đã có lúc ở mức 93,457, mức cao nhất kể từ ngày 22/12/2017. Đồng USD tăng giá kể từ giữa tháng 4/2018 và lấy lại được phần lớn giá trị đã để mất kể từ đầu năm. Tuy vậy, đà tăng của đồng USD đã chững lại trong tuần qua (sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tháng 4/2018 thấp hơn dự kiến), song lại tăng trong ngày 15/5 khi số liệu chi tiêu tiêu dùng lạc quan của Mỹ đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ lên mức cao nhất trong bảy năm qua (3,095%).
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh tiếp tục lo ngại về bất ổn địa chính trị và nhu cầu sử dụng cao sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2018 tăng 0,18 USD lên 71,49 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 7/2018 tăng 0,85 USD lên 79,28 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này (không kể xăng dầu dự trữ chiến lược), đã giảm 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/5/2018, so với dự kiến của các nhà phân tích là chỉ giảm 763.000 thùng; dự trữ xăng của Mỹ giảm 3,79 triệu thùng, trong khi đó các nhà phân tích dự kiến giảm 1,42 triệu thùng. Theo EIA, ở mức 432,4 triệu thùng, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đang thấp khá nhiều dưới mức trung bình của thời điểm này trong năm.
Tại Venezuela, sản lượng dầu trong tháng trước giảm xuống còn 1,5 triệu thùng, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, do khủng hoảng kinh tế đang tiếp diễn. Trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 5 tháng so với giỏ tiền tệ chủ chốt khiến hàng hóa giao dịch bằng đồng USD trở nên đắt hơn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo giá dầu thô đạt gần 80 USD/thùng và nhiều thị trường nhập khẩu lớn không còn trợ cấp cho người tiêu dùng nhiên liệu có thể khiến nhu cầu dầu toàn cầu chỉ ở mức vừa phải trong năm nay. Trong báo mới nhất, IEA đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2018 xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày, so với mức 1,5 triệu thùng/ngày đưa ra trước đó.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng hồi phục do hoạt động mua mạnh mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng. Vàng giao ngay giá tăng 0,2% lên 1.292,19 USD/ounce, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 1.286,2 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ phiên 27/12/2017; vàng giao tháng 6/2018 tiến 0,1% lên 1.291,5 USD/ounce.
Vàng tăng giá bất chấp thông tin Bắc Triều Tiên tuyên bố có thể không tham gia hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 với Mỹ nếu Washington tiếp tục đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bắc Triều Tiên cũng đã hủy kế hoạch đối thoại cấp cao với Hàn Quốc dự kiến vào hôm qua (16/5) với lý do Mỹ - Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự.
Georgette Boele, chuyên gia phân tích tại ABN AMBRO, nhận định giá vàng nhiều khả năng sẽ hạ xuống 1.275 USD/ounce vào cuối tháng 6/2018 và rơi xuống mức 1.250 USD/ounce vào cuối năm nay do lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD đi lên.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,9% lên 16,37 USD/ounce sau khi có lúc tụt xuống mức thấp trong hai tuần là 16,17 USD/ounce; giá bạch kim hạ 0,4% xuống 889,07 USD/ounce, trong lúc giá palađi tiến 0,4% lên 986,75 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng đảo chiều tăng sau 2 phiên giảm trước đó, do doanh số bán nhà ở tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh. Giá đồng tham chiếu trên sàn London tăng 0,2% lên 6.826 USD/tấn, sau khi giảm hơn 1% phiên trước đó. Đồng - được sử dụng trong ngành điện và xây dựng - đã giảm 1,8% trong tuần này. Sản lượng công nghiệp Mỹ trong tháng 4/2018 tăng nhờ sự tăng mạnh trong lĩnh vực sản xuất và khai thác, cho thấy nền kinh tế nước này có xu hướng tăng.
Giá nhôm tại LME giảm 0,4% xuống còn 2.316 USD/tấn, chì giảm 0,3% xuống còn 2.341 USD/tấn, kẽm tăng 0,4% lên 3.075 USD/tấn, thiếc giảm 0,7% xuống còn 20.725 USD/tấn, nickel tăng 0,4% lên 14.475 USD/tấn.
Sản xuất nhôm trong tháng 4 của Trung Quốc lên cao nhất theo ngày kể từ tháng 6, vì giá nhôm tăng cao khuyến khích các nhà máy thúc đẩy sản lượng trong tháng hoạt động hết công suất đầu tiên kề từ khi lệnh hạn chế mùa đông kết thúc. Theo số liệu từ Tổng cục Thống Kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới tăng 1,1% lên 2,77 triệu tấn trong tháng 4 so với một năm trước. Con số này tương đương với công suất 92.300 tấn/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái và tăng 89.500 tấn so với tháng 3, dù nhiều hơn chỉ 1 ngày, theo tính toán từ Reuters.
Giá thép và quặng sắt quay đầu giảm sau khi tăng 3 ngày liên tiếp lên mức cao nhất 8 tuần trước đó, bất chấp triển vọng nhu cầu thép vẫn lạc quan. Hoạt động xây dựng tại Trung Quốc tăng, dự trữ thép của các thương nhân tiếp tục giảm kể từ tháng 3/2018 và sản lượng thép trung bình ngày của các nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 4/2018 tăng lên mức cao nhất trong 4 năm.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ xuống 3.677 NDT/tấn từ mức 3.715 NDT/tấn của phiên trước đó (cao nhất 1 tuần rưỡi). Công ty tư vấn SteelHome cho biết dự trữ thép cây của các thương nhân Trung Quốc đạt 6,39 triệu tấn vào ngày 11/5, giảm 35% so với mức cao nhất 5 năm hồi giữa tháng 3/2018. Trong bối cảnh nhu cầu tăng, các nhà máy thép Trung Quốc sản xuất 2,56 triệu tấn thép thô trung bình ngày trong tháng 4/2018, mức cao nhất kể từ tháng 5/2014.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống còn 482,5 NDT/tấn, trong phiên trước đó đạt 494 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 19/3. Giá quặng sắt giao sang cảng Tần Hoàng Đảo giảm 2,4% xuống còn 67,28 USD/tấn ngày thứ ba (15/5), Metal Bulletin cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0,35 cent tương đương 0,3% lên 1,173 USD/lb do đồng real Brazil giảm so với đồng USD, nhưng được hậu thuẫn bởi hoạt động mua bù thiếu sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần rưỡi trong phiên trước đó. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 9 USD tương đương 0,52% lên 1.737 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó. Sản lượng cà phê Peru trong năm marketing 2018/19 dự báo sẽ đạt 4,3 triệu bao (60kg/bao), tăng 5% so với năm trước đó. Diện tích vụ thu hoạch năm 2018/19 dự báo đạt 360.000 ha. Xuất khẩu cà phê Peru trong năm marketing 2018/19 dự báo sẽ đạt 4,1 triệu bao, tăng 5% so với năm trước đó. Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Peru, chiếm 24% trong tổng xuất khẩu. Giá xuất khẩu trung bình cà phê Peru trong năm tài chính 2017 đạt 2,89 USD/kg, giảm 9% so với năm 2016.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,09 cent tương đương 0,8% lên 11,61 cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 10 cent tương đương 0,03% lên 322,5 USD/tấn.
Trong bối cảnh giá đường giảm mạnh và thế giới dư thừa một lượng lớn nguồn cung, Thái Lan quyết định phân bổ một lượng đường thô để sản xuất ethanol trong năm 2018, thay vì tăng xuất khẩu. Khối lượng đường thô được chính phủ Thái Lan phân bổ thêm để sản xuất ethanol trong năm nay là 300.000 tấn. Trong khi đó, Thái Lan hàng năm đều dành ra 200.000 tấn đường thô để sản xuất nhiên liệu sinh học. Như vậy, 500.000 tấn đường thô sẽ được bán cho các doanh nghiệp sản xuất ethanol vì nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu sinh học dự báo tăng mạnh theo đà tăng của giá dầu. Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai sau Brazil, kỳ vọng sản lượng đường sẽ đạt ít nhất 14 triệu tấn và sản lượng mía sẽ đạt kỷ lục 134 triệu tấn trong niên vụ 2017 – 2018, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Nước này tiêu thụ khoảng 2,6 triệu tấn đường và xuất khẩu phần còn lại ra thế giới.
Đậu tương vững trong phiên vừa qua sau khi giảm sâu trước đó bởi lo ngại Trung Quốc giảm mua đậu tương Mỹ nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa 2 nước. Đậu tương tại Chicago giá tăng 0,5% lên 10,04-1/2 USD/bushel, sau khi có lúc xuống chỉ 9,98 USD, thấp nhất kể từ 4/4.
Hiệp hội ngành dầu thực vật Brazil (Abiove) ngày 11/5 cho biết nước này sẽ lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành quốc gia sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới trong năm nay. Mỹ dự kiến sẽ thu hoạch 116,48 triệu tấn đậu tương tính đến hết năm 2018, thấp hơn sản lượng ước tính của Brazil ở 117 triệu tấn, Abiove dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết.
Brazil dự kiến sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình trong những năm tới nhờ năng lực mở rộng vùng trồng đậu nành, Abiove cho biết. Ngày 11/5, Abiove đã nâng dự báo sản lượng đậu tương lên 118,4 triệu tấn, tăng 0,9% so với dự báo hồi tháng 4. 
Giá cao su kỳ hạn trên sàn TOCOM – tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á – hồi phục, chấm dứt chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn TOCOM kết thúc phiên tăng 0,4 JPY lên 188,5 JPY/kg. Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 10 NDT xuống còn 11.455 NDT/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn SICOM giảm 1,4 Uscent xuống còn 138,9 Uscent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

71,49

+0,18

+0,22%

Dầu Brent

USD/thùng

79,28

+0,85

+0,98%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

50.880,00

+760,00

+1,52%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,82

0,00

0,00%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

224,97

-0,02

-0,01%

Dầu đốt

US cent/gallon

226,79

-0,13

-0,06%

Dầu khí

USD/tấn

692,50

+8,00

+1,17%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

68.270,00

+790,00

+1,17%

Vàng New York

USD/ounce

1.290,50

+1,00

+0,08%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.573,00

-7,00

-0,15%

Bạc New York

USD/ounce

16,39

+0,02

+0,12%

Bạc TOCOM

JPY/g

57,90

+0,10

+0,17%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

892,53

+0,67

+0,08%

Palladium giao ngay

USD/ounce

988,23

+0,94

+0,10%

Đồng New York

US cent/lb

308,10

+1,05

+0,34%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.826,00

+18,00

+0,26%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.315,50

-11,50

-0,49%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

3.074,50

+12,50

+0,41%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

20.725,00

-150,00

-0,72%

Ngô

US cent/bushel

399,75

+0,50

+0,13%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

496,75

+2,50

+0,51%

Lúa mạch

US cent/bushel

241,00

-0,25

-0,10%

Gạo thô

USD/cwt

12,55

0,00

-0,04%

Đậu tương

US cent/bushel

1.000,00

+0,25

+0,03%

Khô đậu tương

USD/tấn

376,20

-0,40

-0,11%

Dầu đậu tương

US cent/lb

30,61

+0,02

+0,07%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

528,50

-0,70

-0,13%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.730,00

+56,00

+2,09%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

117,30

+0,35

+0,30%

Đường thô

US cent/lb

11,61

+0,09

+0,78%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

170,05

+0,15

+0,09%

Bông

US cent/lb

84,57

+0,22

+0,26%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

629,00

+10,00

+1,62%

Cao su TOCOM

JPY/kg

190,00

+1,50

+0,80%

Ethanol CME

USD/gallon

1,48

-0,02

-1,13%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn:Vinanet