menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tuần tới 21/3/2020: Giá giảm sau các phiên biến động mạnh

08:26 22/03/2020

Vinanet - Tuần qua, giá hàng hóa nguyên liệu hầu hết đi xuống sau nhiều phiên biến động mạnh. Chứng khoán mất điểm trong khi USD tăng mạnh đã tác động lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Phố Wall đã trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Trong phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones chốt phiên chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/10/2016; S&P 500 thấp nhất kể từ ngày 8/2/2017. Tính chung cả tuần, Dow Jones mất 17,3%, chỉ số S&P 500 mất 14,98%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 12,64%. Các nhà đầu tư vẫn lo ngại dù Chính phủ có những động thái nhằm hạn chế tác động kinh tế do dịch bệnh, khi mức độ nghiêm trọng đến đâu và việc dịch sẽ kéo dài trong bao lâu vẫn là những điều chưa rõ ràng.
Năng lượng: Giá dầu trải qua tuần giảm mạnh nhất kể từ 1991
Thị trường dầu mỏ thế giới vừa trải qua một tuần biến động rất mạnh và kết thúc tuần mất mát nhiều nhất kể từ năm 1991.
Lo ngại nhu cầu dầu sẽ giảm mạnh ngày càng gia tăng khi dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp trên khắp thế giới. Mặc dù các chính phủ và ngân hàng trung ương đã nỗ lực tung ra các biện pháp kích thích kinh tế nhưng không thể át đi được nỗi lo này.
Trong bối cảnh đó, cuộc chiến giá cả giã Saudi Arabia và Nga khiến nguồn cung càng trở nên dư thừa.
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 1,49 USD, tương đương 5,2%, xuống 26,98 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 3,28 USD, tương đương 10,7%, xuống 22,63 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 20,3% trong khi WTI giảm 29,3%, là tuần giảm thứ 4 liên tiếp và mức giảm nhiều nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Như vậy, trong 2 tuần qua, giá dầu WTI đã giảm 1/2 giá trị; dầu Brent giảm 40%.
 Tuần qua, giá dầu đã biến động rất mạnh. Giá đã có 4 phiên giảm sâu và 1 phiên tăng mạnh. Phiên 19/3, giá dầu WTI đã phục hồi mạnh mẽ sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết Washington đang xem xét can thiệp vào cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.
Buổi chiều phiên 19/3 (theo giờ New York), dầu WTI đã tăng 24%, lên 25,38 USD/thùng; trong khi đó dầu Brent tăng gần 14% lên 28,26 USD/thùng vào cùng thời điểm. Đây là phiên tăng kỷ lục được ghi nhận đối với dầu thô Mỹ trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của The Price Futures Group nhận định khó có thể có một thỏa thuận đình chiến giữa các ‘cường quốc dầu mỏ’.
Tờ The Wall Street Journal mới đây đưa tin các nhà quản lý ở Texas, bang sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu. Theo các nguồn tin trong bài báo, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành dầu mỏ đã tìm đếm Ủy ban Đường sắt Texas để yêu cầu giải cứu sau khi giá dầu giảm mạnh.
Số liệu hàng tuần từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ đã giảm 19 giàn xuống còn 664 giàn trong tuần này. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất dầu sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Ngày 19/3 vừa qua, Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược đã bắt đầu thực hiện cam kết này với tuyên bố sẽ bắt đầu mua 30 triệu thùng dầu do Mỹ sản xuất và sẽ được chuyển đến trong tháng 5 và tháng 6 tới. Cơ quan này cho biết họ đang chờ Quốc hội thông qua khoản ngân sách để mua 77 triệu thùng dầu.
Cuộc chiến giá dầu toàn cầu giữa Ả Rập Saudi và Nga đã khiến ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu - vốn đã bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng - phải chịu thêm áp lực. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hãng bay trên toàn cầu đã phải hủy chuyến, các du thuyền phải tạm thời đình chỉ hoạt động, và người tiêu dùng phải hạn chế ra đường. Điều này khiến nhu cầu về dầu mỏ giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Kim loại quý: Giá vàng giảm tuần thứ 2 liên tiếp
Phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng hồi phục sau khi ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương tung ra các chương trình kích thích kinh tế để chống lại tác động tiêu cực của Covid-19.
Kết thúc phiên này, vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.480,53 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2020 tăng tăng 0,4% lên 1.484,6 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm 0,4% cũng góp phần hỗ trợ cho đà phục hồi của giá vàng trong phiên 20/3.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn giảm trên 3% và là tuần đi xuống thứ 2 liên tiếp. Trong tuần trước, giá vàng đã giảm hơn 9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2011.
So với thời điểm giá đạt trên 1.700 USD/ounce, mức giá hiện tại đã giảm trên 200 USD mỗi ounce.
Mặc dù đang trong giai đoạn biến động mạnh, giới phân tích nhận định vàng vẫn đang trong ở thời điểm hiện tại vẫn trong xu hướng tích cực, và sự giảm giá trong thời gian gần đây là cơ hội để các nhà đầu tư mua vàng, vì các điều kiện tích cực dẫn đến đà tăng giá của kim loại quý này vẫn chưa kết thúc.
Tuần tới sẽ có một sự kiện quan trọng đối với mặt hàng vàng, đó là cuộc họp ngày 25/3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tại cuộc họp lần này, Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất về 0 và đưa ra chính sách nới lỏng định lượng, qua đó hỗ trợ cho đà phục hồi của giá vàng.
Chuyên gia Caroline Bain của công ty Capital Economics nhận định giá vàng có triển vọng khá tích cực, khi vài tháng tới đây lãi suất có thể sẽ được cắt giảm xuống các mức siêu thấp ở nhiều nước.
Thị trường đang đón đợi các động thái nới lỏng tiền tệ tiếp theo trong vài ngày tới, giữa lúc Thượng viện Mỹ đang xem xét gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD, trong đó có các khoản hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Nhiều nước khác cũng đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn các thiệt hại kinh tế hơn nữa, trong khi Ngân hàng trung ương Anh đã quyết định hạ lãi suất.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt giảm
Phiên cuối tuần, giá đồng trên sàn London giảm 0,5% xuống 4.810 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 11%, trong đó phiên 19/3 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016 là 4.371 USD/tấn.
Những kim loại khác hầu hết cũng đi xuống, theo đó nhôm giảm 7,7% trong cả tuần; thiếc tăng 0,4% trong phiên cuối tuần lên 13.950 USD/tấn nhưng cũng trong phiên này có lúc chạm thấp nhất kể từ tháng 7/2009 là 12.715 USD/tấn và tính chung cả tuần giảm 12,56%; kẽm giảm 4,64% trong cả tuần; nickel giảm 9,09% trong tuần….
Đối với nhóm sắt thép, trong phiên cuối tuần, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do lạc quan Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên phiên này tăng 0,5% lên 661,5 CNY (93,63 USD)/tấn, sau khi tăng 4,7% trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tại Đại Liên tăng 0,5%. Trong khi đó, trên sàn Singapore giá quặng sắt giảm 4,3%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,6%, thép cuộn cán nóng giảm 0,1% song thép không gỉ tăng 1%. Tồn trữ các sản phẩm thép chủ yếu bao gồm thép cây và thép cuộn cán nóng bởi các thương nhân tại 35 thành phố của Trung Quốc giảm 628.700 tấn tương đương 2,4% xuống 25,4 triệu tấn giai đoạn từ 13-19/3/2020.
Nông sản: Giá đường giảm trong tuần, cà phê tăng
Phiên cuối tuần, giá cà phê tăng phiên thứ 3 liên tiếp do nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm năng bởi dịch Covid-19 bùng phát. Giá cà phê Arabica kỳ han tháng 5/2020 trên sàn New York tăng 7 US cent tương đương hơn 6% lên 1,197 USD/lb - cao nhất kể từ ngày 3/3/2020; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 28 USD tương đương 2,3% lên 1.244 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá cà phê tăng gần 10%.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn New York phiên 20/3 tăng 0,32 US cent lên 10,91 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018 trong ngày 19/3/2020; đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 6,5 USD lên 344,4 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019 trong ngày 19/3/2020. Tiy nhiên, tính chung cả tuần giá đường giảm gần 7% theo xu hướng giá dầu.
Trong nhóm ngũ cốc, giá đậu tương và lúa mì tại Chicago phiên cuối tuần tăng do nhu cầu Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ tăng. Trên sàn Chicago, giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 4-1/4 US cent lên 5,39-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì tăng phiên thứ 4 liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 24/2/2020. T
Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 6,7% - tuần tăng mạnh nhất 9 tháng do nhu cầu mì ống và bánh mì dự kiến sẽ tăng bởi đại dịch virus corona. Đồng thời giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 19-1/4 US cent lên 8,62-1/2 USD/bushel, trong khi giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-3/4 US cent xuống 3,43-3/4 USD/bushel.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã ký hợp đồng mua ngô và lúa mì Mỹ trong đợt mua hàng lớn đầu tiên kể từ khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.

Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá 13/3

Giá 20/3

20/3 so với 19/3

20/3 so với 19/3 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

31,73

22,63

-3,28

-12,66%

Dầu Brent

USD/thùng

33,85

26,98

-1,49

-5,23%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

26.390,00

24.700,00

+1.570,00

+6,79%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,87

1,60

-0,05

-3,02%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

89,92

60,54

-7,96

-11,62%

Dầu đốt

US cent/gallon

113,74

100,63

-3,54

-3,40%

Dầu khí

USD/tấn

336,50

301,00

+13,25

+4,60%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

41.740,00

45.890,00

+240,00

+0,58%

Vàng New York

USD/ounce

1.516,70

1.488,10

+5,80

+0,39%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.277,00

5.202,00

+45,00

+0,87%

Bạc New York

USD/ounce

14,50

12,39

+0,25

+2,07%

Bạc TOCOM

JPY/g

50,30

43,60

+1,50

+3,56%

Bạch kim

USD/ounce

763,28

613,44

+22,24

+3,76%

Palađi

USD/ounce

1.812,82

1.642,71

-13,43

-0,81%

Đồng New York

US cent/lb

246,40

217,15

-1,40

-0,64%

Đồng LME

USD/tấn

5.460,00

4.810,00

-15,00

-0,31%

Nhôm LME

USD/tấn

1.680,50

1.582,00

-48,00

-2,94%

Kẽm LME

USD/tấn

1.985,00

1.848,00

+1,00

+0,05%

Thiếc LME

USD/tấn

15.950,00

13.950,00

+50,00

+0,36%

Ngô

US cent/bushel

365,75

343,75

-1,75

-0,51%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

506,00

539,25

+4,25

+0,79%

Lúa mạch

US cent/bushel

268,25

262,00

+0,75

+0,29%

Gạo thô

USD/cwt

13,32

13,29

-0,63

-4,56%

Đậu tương

US cent/bushel

848,75

862,50

+19,25

+2,28%

Khô đậu tương

USD/tấn

299,50

325,20

+10,40

+3,30%

Dầu đậu tương

US cent/lb

26,37

25,64

+0,16

+0,63%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

453,60

461,90

-1,00

-0,22%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.425,00

2.230,00

+14,00

+0,63%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

106,75

119,70

+7,00

+6,21%

Đường thô

US cent/lb

11,70

10,91

+0,32

+3,02%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

98,70

105,55

+6,55

+6,62%

Bông

US cent/lb

60,49

53,68

-1,25

-2,28%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

343,00

322,30

+2,50

+0,78%

Cao su TOCOM

JPY/kg

165,40

154,90

+0,90

+0,58%

Ethanol CME

USD/gallon

1,19

1,00

-0,04

-3,65%


Nguồn:VITIC/ Reuters, Bloomberg