menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tuần tới 28/12/2019: Xu hướng tăng giá chiếm ưu thế

23:37 28/12/2019

Vinanet - Tuần qua, giá hầu hết các mặt hàng từ dầu tới vàng và nông sản đều đi lên bởi lạc quan về triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Dầu mỏ: Giá dầu tăng tuần thứ 4 liên tiếp; khí gas giảm
Phiên cuối tuần, giá dầu tăng do số liệu mới từ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này giảm nhiều hơn dự đoán, trong khi số liệu kinh tế khả quan và lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 24 US cent lên 68,16 USD/thùng, cao nhất kể từ giữa tháng 9/2019; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 4 US cent lên 61,72 USD/thùng, mốc kỷ lục mới cao nhất trong vòng 3 tháng.
Trong vòng một năm qua, giá dầu Brent và dầu WTI tăng lần lượt 27% và 36% nhờ chương trình cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất. OPEC+ trong tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ 1/1/2020.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tới 20/12/2019 đã giảm 5,5%, vượt xa mức giảm 1,7 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm cũng góp phần tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư dầu mỏ. Chỉ số S&P 500 đang tiến tới kết thúc một năm tăng nhiều nhất kể từ 1997; trong khi Nasdaq ngày 26/12/2019 vượt ngưỡng 9.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử.
Khối lượng giao dịch tuần này không nhiều vì đang là kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn thể hiện tâm lý lạc quan một phần cũng bởi số liệu cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tháng 11/2019 tăng nhanh nhất trong vòng 8 tháng; trong khi đó ở Mỹ, kết quả thăm dò cho thấy doanh số mua hàng trực tuyến trong dịp nghỉ lễ này đạt mức cao kỷ lục.
Về những thông tin liên quan, Nga cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với OPEC để cắt giảm nguồn cung. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 23/12 cho biết OPEC và Nga sẽ tiếp tục hợp tác chừng nào điều này còn mang lại hiệu quả.
Tổng thống Trump ngày 24/12 cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/12, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết nước này vẫn đang liên hệ chặt chẽ với Mỹ về việc ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”. Theo đó, hai bên vẫn đang tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi ký thỏa thuận.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần này giảm trong bối cảnh giao dịch thưa thớt vì đang kỳ nghỉ lễ Giáng sinh – Năm mới.
LNG kỳ hạn tháng 2/2020 giao tới thị trường Đông Bắc Á tuần này có giá trung bình 5,1 USD/triệu đơn vị nhiệt lượng Anh (mmBtu), giảm 0,35 USD/mmBtu so với tuần trước.
Về nhu cầu, tuần này chỉ có 2 khách hàng, trong đó có công ty Gujarat State Petroleum Corp (GSPC) của Ấn Độ mua 1 chuyến tàu kỳ hạn tháng 1/2020. Về phía nguồn cung, từ 2 tuần nay, nguồn cung trên thị trường cho các kỳ hạn tháng 1 và 2 năm 2020 cũng không nhiều.
Giá khí gas tại Châu Á tuần này giảm cũng bởi ảnh hưởng từ giá trên thị trường Châu Âu sau khi Nga và Ukraina mới đây đạt được thỏa thuận theo đó việc vận chuyển khí gas từ Nga sang Châu Âu tiếp tục được đảm bảo, sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào ngày 31/12/2019.
Hợp đồng khí gas Hà Lan kỳ hạn tháng 1/2020 – hợp đồng tham chiếu cho LNG nhập khẩu vào Châu Âu – tuần qua đã giảm gần 50 US cent xuống cồn 4,17 USD/mmBtu trong ngày 20/12/2019.
Kim loại quý: Giá vàng tăng mạnh nhất 4 tháng
Phiên cuối tuần, giá vàng tăng bởi hầu hết các nhà đầu tư vàng vẫn lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng bất ổn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Kết thúc phiên này, giá vàng kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,2% lên 1.518,1 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng mạnh nhất trong vòng hơn 4 tháng mặc dù khối lượng giao dịch không nhiều. Tính từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng khoảng 18% và đang trên đà hướng đến năm có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010 do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động của cuộc chiến này đối với nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù mới đây Washington và Bắc Kinh phát đi những thông điệp cho thấy hai bên sắp ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư vàng vẫn lo lắng khi hai bên chưa đặt bút ký và cũng chưa rõ về nội dung chi tiết của thỏa thuận này.
Theo chuyên gia phân tích Rhona O'Connell từ INTL FCStone, giới đầu tư đang quan sát những nguy cơ bất ổn chính trị trong dài hạn và những rủi ro kinh tế vẫn tiềm ẩn tại các nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, việc Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” và căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng góp phần thúc đẩy đà đi lên của giá vàng.
Cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã buộc nhiều ngân hàng trung ương phải sử dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ. Giá vàng đã tăng đáng kể nhờ môi trường lãi suất thấp.
Về những kim loại quý khác, giá bạc trong phiên cuối tuần giảm 0,3% xuống 17,84 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần tăng gần 4%; bạch kim tăng 0,1% lên 947,58 USD/ounce, trong khi palađi tăng 0,3% lên 1.905,57 USD/ounce và tính chung cả tuần tăng gần 3%.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng và nhôm tăng
Trong phiên cuối tuần, giá đồng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 do lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đạt cao nhất 8 tháng và Mỹ - Trung sắp đạt được một thỏa thuận thương mại bước đầu. Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có lúc đạt 6.266,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 7/5/2019, trước khi hạ nhẹ để kết thúc ở mức 6.214 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,6%, là tuần tăng thứ 6 liên tiếp – dài nhất trong vòng hơn 2 năm.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 ký với Mỹ sẽ giúp nhanh chóng kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài giữa 2 bên.
Lượng đồng lưu kho ở sàn London đã giảm xuống 147.350 tấn, thấp nhất kể từ 13/3/2019; trong khi đó lượng lưu ở sàn Thương Hải giảm 4,2% trong tuần trước, xuống 123.647 tấn.
Nhôm cũng tăng giá trong phiên cuối tuần, thêm 0,6% đạt 1.825 USD/tấn vào lúc đóng cửa, trước đó cùng phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 12/9. Tuy nhiên, mức cộng giá nhôm nhập khẩu vào Nhật Bản trong quý 1/2020 hiện là 83 USD/tấn, thấp hơn 13% so với quý trước đó trong bối cảnh nhu cầu từ ngành điện tử và ô tô yếu đi.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá quặng sắt tăng do giá thép tăng, ngoài ra cũng được hưởng lợi bởi thông báo thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc là Đường Sơn tạm dỡ bỏ các biện pháp chống ô nhiễm khói bụi – động thái có thể đẩy tăng nhu cầu các nguyên liệu sản xuất thép, trong đó có quặng sắt.
Kết thúc phiên này, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 642,5 CNY (91,83 USD)/tấn. Hợp đồng này đã lấy lại gần như toàn bộ những gì đã mất trong mấy ngày trước đó. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,2% lên 89,75 USD/tấn.
Tuần qua, giá quặng sắt biến động khá mạnh trong bối cảnh nhu cầu không nhiều trước kỳ nghỉ lễ kéo dài. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong tuần tới và một số ngày đầu năm 2020.
Sau khi đạt đỉnh cao 126,5 USD/tấn vào ngày 3/7/2019 do lo ngại nguồn cung khan hiếm, giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc đã liên tiếp giảm do lượng nhập khẩu vào Trung Quốc từ tháng 8/2019 tăng mạnh. Ngày 26/12/2019, giá chỉ còn 91,5 USD/tấn.
Westpac Banking Corp của Australia dự báo giá quặng sắt từ nay tới giữa năm 2020 sẽ quanh mức như hiện nay, nhưng dự báo nguồn cung sẽ tăng hơn nữa trong khi nhu cầu sẽ giảm nên giá vào cuối 2020 sẽ chỉ còn 65 USD/tấn vào cuối năm 2020.
Nông sản: Giá khởi sắc
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trong phiên cuối tuần tăng 5,2 US cent (4,1%) lên 1.3250 USD/lb do đồng real Brazil tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2019; tính chung cả tuần tăng 1,38%. Robusta cũng tăng 37 USD trong phiên này (2,7%) lên 1.387 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ giảm 13,9% xuống 1,61 triệu tấn.
Giá lúa mì và đậu tương trên sàn Chicago lập kỷ lục cao chưa từng có kể từ mùa Hè năm 2018 trong phiên giao dịch cuối tuần do dự báo nhu cầu từ Trung Quốc sẽ mạnh lên sau khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại bước đầu.
Trong phiên này, lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) lúc kết thúc giao dịch tăng 7-1/4 US cent lên 5,56-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 5,61 USD, cao nhất kể từ tháng 8/2018; tính chung cả tuần tăng 1,34%. Đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 là 9,50-1/2 USD/bushel, nhưng kết thúc phiên chỉ còn 9,41-1/2 USD/bushel, giảm 5 US cent so với phiên liền trước, và tính chung cả tuần giảm 0,6%. Ngô cũng tăng 1-1/2 US cent lên 3,9 USD/bushel – cao nhất kể từ 1/11/2019; tính chung cả tuần tăng 0,2%.
Thị trường ngũ cốc Chicago tiếp tục hướng sự chú ý vào triển vọng Mỹ có bán thêm được nông sản cho Trung Quốc hay không sau khi hai bên ký được thỏa thuận Giai đoạn 1 – dự kiến trong tháng 12 này.
Giá cao su trên các sàn giao dịch đồng loạt đi lên trong phiên cuối tuần. Tại Tokyo, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,9 JPY (0,0082 USD) lên 198,9 JPY/kg, tính chung cả tuần tăng 3%; tại Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 115 CNY (16,43 USD) lên 12.850 CNY/tấn, loại TSR20 tăng 105 CNY lên 10.720 CNY/tấn; tại Singapore, kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,3% lên 144 US cent/kg. 

Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

61,72

+0,04

+0,06%

Dầu Brent

USD/thùng

68,16

+0,24

+0,35%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

42.870,00

-110,00

-0,26%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,23

-0,05

-2,36%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

174,73

-0,64

-0,36%

Dầu đốt

US cent/gallon

204,96

-0,25

-0,12%

Dầu khí

USD/tấn

626,00

+3,00

+0,48%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

59.370,00

+50,00

+0,08%

Vàng New York

USD/ounce

1.518,10

+3,70

+0,24%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.319,00

+3,00

+0,06%

Bạc New York

USD/ounce

17,94

-0,05

-0,26%

Bạc TOCOM

JPY/g

62,60

-0,30

-0,48%

Bạch kim

USD/ounce

945,99

+0,01

+0,00%

Palađi

USD/ounce

1.907,65

+6,49

+0,34%

Đồng New York

US cent/lb

282,95

-1,95

-0,68%

Đồng LME

USD/tấn

6.214,00

-1,00

-0,02%

Nhôm LME

USD/tấn

1.825,00

+11,00

+0,61%

Kẽm LME

USD/tấn

2.305,00

+31,00

+1,36%

Thiếc LME

USD/tấn

17.120,00

-5,00

-0,03%

Ngô

US cent/bushel

390,00

+1,50

+0,39%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

556,25

+7,25

+1,32%

Lúa mạch

US cent/bushel

288,50

+5,50

+1,94%

Gạo thô

USD/cwt

13,18

+0,09

+0,69%

Đậu tương

US cent/bushel

941,50

-5,00

-0,53%

Khô đậu tương

USD/tấn

300,40

-3,60

-1,18%

Dầu đậu tương

US cent/lb

35,04

+0,37

+1,07%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

474,20

-3,80

-0,80%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.497,00

+92,00

+3,83%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

132,50

+5,20

+4,08%

Đường thô

US cent/lb

13,54

+0,10

+0,74%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

100,55

+0,65

+0,65%

Bông

US cent/lb

68,92

+0,22

+0,32%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

427,90

+5,60

+1,33%

Cao su TOCOM

JPY/kg

198,90

0,00

0,00%

Ethanol CME

USD/gallon

1,42

-0,01

-0,91%

Nguồn:VITIC/ Reuters, Bloomberg