menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 10/1/2020: XK tinh bột sắn chưa khởi sắc; ngành gỗ rà soát ĐTNN

16:38 10/01/2020

Vinanet - Tháng 1 xuất khẩu tinh bột sắn dự báo chưa khởi sắc; Tăng trưởng hơn 18% trong năm 2019, ngành gỗ cần theo dõi, rà soát tình trạng đầu tư nước ngoài; “Thông đường” xuất khẩu nông sản ngay từ đầu năm… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Tháng 1/2020: Xuất khẩu tinh bột sắn dự báo chưa khởi sắc
Theo congthuong.vn, kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau, nhu cầu nhập khẩu hàng từ phía Trung Quốc yếu trong bối cảnh tồn kho tại Trung Quốc còn khá nhiều, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam trong tháng 1/2020 dự báo sẽ vẫn trầm lắng.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2019, xuất khẩu tinh bột sắn ước đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 870 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 6% về giá trị so với năm 2018.
Từ đầu tháng 12/2019, Trung Quốc bắt đầu áp dụng mức thuế mới với mặt hàng nhập khẩu qua cửa khẩu Nà Nưa (Lạng Sơn). Theo đó, thuế được điều chỉnh tăng với tất cả các mặt hàng, trong đó riêng với tinh bột sắn được điều chỉnh từ 180 NDT/tấn lên 280 NDT/tấn. Hiện nay, khu vực cửa khẩu Na Hình và Bảo Lâm chưa có văn bản tăng thuế, nhiều khả năng sẽ được áp dụng từ đầu năm 2020. Những động thái của Trung Quốc liên quan tới các hoạt động của đường biên, lối mở trong năm 2019 cho thấy nước này sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng giao dịch biên mậu và tăng giao dịch chính ngạch. Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thuế VAT với tinh bột sắn nhập khẩu chính ngạch từ 13% xuống còn 10% trong năm 2020 nhằm tăng lượng nhập khẩu chính ngạch. Thị trường xuất khẩu tinh bột sắn có thể sẽ trầm lắng cho tới đầu tháng 2/2020.
Kỳ nghỉ tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau, nhu cầu nhập khẩu hàng từ phía Trung Quốc yếu trong bối cảnh tồn kho tại Trung Quốc còn khá nhiều, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam trong tháng 1/2020 dự báo sẽ vẫn trầm lắng. Giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có khả năng giữ ổn định hoặc thậm chí giảm nhẹ trong 1 tháng tới.
“Thông đường” xuất khẩu nông sản ngay từ đầu năm
Theo congthuong.vn, để góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu hàng hóa năm 2020 cán mốc 300 tỷ USD, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua biên giới.
Ngày 7/1/2020, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì đã trực tiếp đến Lạng Sơn để nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương đưa ra các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu nhưng dễ bị hư hỏng.
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn - cho biết: tỉnh Lạng Sơn là địa bàn có hệ thống cửa khẩu xuất khẩu lớn mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2019, thông qua các cửa khẩu trên địa bàn, nước ta đã xuất khẩu sang Trung Quốc trên 2 triệu tấn nông sản, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, xoài, mít, nhãn, sầu riêng…
Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, sau khi tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài đi vào hoạt động, từ ngày 30/12/2019 đến 2/1/2020, trung bình hàng ngày có khoảng 130 - 140 xe hàng xuất khẩu, từ 90 - 100 xe hàng nhập khẩu. Từ ngày 3/1/2020 đến nay, tình hình đã được cải thiện hơn, trung bình hàng ngày có khoảng 200 - 220 xe hàng xuất khẩu và từ 100 - 110 xe hàng nhập khẩu.
Cần quan tâm đến quy chuẩn, tiêu chuẩn
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD. Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác liên ngành đi các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nông sản để phối hợp tìm biện pháp tháo gớ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông sản ổn định, bền vững sang thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài cuối tháng 12/2019 đã được đưa vào vận hành chạy thử nghiệm nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa hai bên. Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã trực tiếp đến khảo sát, nắm bắt tình hình để trong quá trình vận hành gặp khó khăn, vướng mắc sẽ phối hợp cùng địa phương tìm cách tháo gỡ để tuyến đường chuyên dụng đi vào hoạt động chính thức có hiệu quả, góp phần thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản.
Giáp Tết, mỗi ngày có khoảng hơn 200 xe hàng xuất khẩu ở cửa khẩu Tân Thanh
Ông Trần Quốc Toản lưu ý, để nông sản xuất khẩu hiệu quả, cần phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa của nước nhập khẩu, nhất là đáp ứng các qui định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đóng gói, bao bì.... Để làm được việc đó, ngay từ bây giờ, cần phải có định hướng về sản xuất, phải có những vùng sản xuất tập trung chuyên canh để đáp ứng đủ sản lượng và chất lượng theo đơn hàng nhập khẩu.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản cần phải tập trung đầu tư bài bản, hoàn thiện qui trình từ sản xuất tới tiệu thụ, xuất khẩu sản phẩm; các địa phương tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường, định hướng quy hoạch vùng trồng và hỗ trợ bà con sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, khoa học kỹ thuật để khi sản phẩm xuất đi đáp ứng được tất cả yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bộ Công Thương: Giá cà phê toàn cầu có thể phục hồi trở lại
Theo vietnambiz.vn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, nhiều khả năng giá cà phê toàn cầu sẽ phục hồi trở lại do áp lực dư cung và tồn kho giảm.
Theo báo cáo của Hiệp hội cà phê nhân của Brazil (CECAFE), xuất khẩu cà phê của nước này niên vụ 2018 - 2019 (từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2019) ghi nhận mức cao kỉ lục 41,42 triệu bao, tăng so với niên vụ 2017 - 2018 là 39,72 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica và robusta ước đạt gần 37,4 triệu bao, cà phê hòa tan đạt hơn 4 triệu bao.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong ngắn hạn, nhiều khả năng giá cà phê toàn cầu sẽ phục hồi trở lại do áp lực dư cung và tồn kho giảm.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 10/2019 đạt 8,91 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017, giảm 13,4% so với tháng 10/2018 và giảm 2,4% so với tháng 10/2017.
Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta và arabica giảm xuống còn 2,82 triệu bao và 6,08 triệu bao. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo sản lượng cà phê robusta niên vụ 2018 - 2019 toàn cầu thấp hơn dự kiến là 13,9 triệu bao do điều kiện thời tiết không thuận lợi, xuất khẩu đạt 13,5 triệu bao.
USDA điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong năm 2019 - 2020 xuống còn 58 triệu bao 60 kg, do sản lượng thấp hơn so với dự kiến trước đây ở các vùng trồng cà phê arabica. Ước tính xuất khẩu cà phê sau khi khai thác giảm xuống 35,32 triệu bao do nguồn cung cà phê có thể thấp hơn.
Xuất khẩu rau quả gặp khó tại Trung Quốc, Việt Nam tìm được động lực ở thị trường Lào, Hong Kong, Đài Loan
Thông tin từ vietnambiz.vn, thị trường số 1 của rau quả Việt Nam là Trung Quốc liên tục sụt giảm giá trị xuất khẩu trong năm 2019, tuy nhiên, tại các thị trường khác lại có sự tăng trưởng mạnh, nhất là tại Lào, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan.
Xuất khẩu rau quả tháng 12/2019 ước đạt 320 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 ước đạt 3,74 tỉ USD, giảm gần 2% so với năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với 65,7% thị phần. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,24 tỉ USD, giảm 13,2% so với cùng kì năm 2018. Tiếp đến là Mỹ đạt 137,7 triệu USD, tăng 9,2%; Hàn Quốc đạt 119,4 triệu USD, tăng 14,2%; Nhật Bản đạt 112,4 triệu USD, tăng 14,4%; Hà Lan đạt 73,8 triệu USD, tăng đến 34,8% … so vớí 11 tháng năm 2018.
Đáng chú ý, trong thời gian này, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào tăng gấp 6,7 lần, Hồng Kông tăng gấp 3,2 lần, Đài Loan tăng gần 70%, Thái Lan tăng 47%.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản giá trị xuất khẩu rau quả giảm do nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm mạnh so với cùng kì năm 2018.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 12/2019 ước đạt 123 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu năm 2019 ước đạt 1,75 tỉ USD, tăng 0,3% so với năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 646 triệu USD, tăng hơn 10%; mặt hàng quả đạt 1,1 tỉ USD, giảm hơn 4%.
Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất, đạt 464,2 triệu USD, chiếm 28,6%, giảm 26,8% so với cùng kì năm 2018. Theo sau là Trung Quốc đạt 420,4 triệu USD, tăng 7,7%; Mỹ đạt 261,7 triệu USD, tăng 47,6%; Australia đạt 102,8 triệu USD, chiếm 6,3%, tăng 3,1%; … so với cùng kì năm 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Chi Lê, ngược lại thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả giảm mạnh nhất là Lào.
Tăng trưởng hơn 18% trong năm 2019, ngành gỗ cần theo dõi, rà soát tình trạng đầu tư nước ngoài
Thông tin từ vietnambiz.vn, các động lực tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là yếu tố góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ của Việt Nam trong năm qua nhưng đi kèm theo đó là nhiều vấn đề cần lưu ý.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết năm 2019, giá trị xuất khẩu năm 2019 của ngành lâm nghiệp đạt 11,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỉ USD. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới và đứng hai ở châu Á và đã xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới.
Về thương mại, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 12/2019 ước đạt 998 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 ước đạt 10,52 tỉ USD, tăng 18,2% so với năm 2018. Trong năm 2019, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với mức thặng dư 8,01 tỉ USD, tăng tới 21,5% so với cùng kì năm 2018.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm 80,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá trị nhập khẩu tháng 12/2019 ước đạt 212 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 ước đạt 2,51 tỉ USD, tăng 8,5% so với năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam với khoảng 25% thị phần nhập khẩu.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trong năm 2019, Việt Nam đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác. Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong năm qua, bên cạnh việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Theo đó, các động lực tăng trưởng xuất khẩu này cũng chính là yếu tố góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ của Việt Nam trong năm vừa qua. Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng thời gian tới ngành lâm nghiệp cần lưu ý nhiều vấn đề. Cụ thể, cần rà soát lại các loại hình đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Trong số đó, nên ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có qui mô nhỏ, đặc biệt là các dự án đầu tư mới có vốn đăng kí nhỏ trong năm 2019.
Các cơ quan quản lí Nhà nước trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội gỗ địa phương để theo dõi, nắm bắt tình trạng đầu tư chế biến gỗ tại các địa phương bên cạnh việc tăng cường kiểm tra và xử lí vấn đề gian lận thương mại. Ngoài ra cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lí, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa.

Nguồn:VITIC