menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 11/12/2019: Thời cơ tăng thị phần thịt gà; XK nông sản sang TQ

16:02 11/12/2019

Vinanet - Thời cơ tăng thị phần thịt gà; Đàm phán xuất khẩu nông sản sang TQ; Sôi động thị trường Giáng sinh; Cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán 2020… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Đàm phán xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Theo nongnghiep.vn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông, lâm thủy sản của cả nước. Trung Quốc còn đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè và đứng thứ 5 về thủy sản từ Việt Nam.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng hàng hóa NK thông qua việc ban hành các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thưc vật, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì… Điều này phần nào tác động đến tiến độ XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường cũng như một số biến động khác đang phát sinh đối với nền kinh tế nước này.
Trước tình hình đó, các bộ, ngành của Việt Nam đã tích cực vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, người dân hoạt động chính trong nhóm hàng nông, lâm thủy sản như phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc tới nhiều địa phương.
Mặc dù vậy, hiện không ít DN trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy biết nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, XK cũng như cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến việc chưa tận dụng tối đa các lợi thế từ Hiệp định ACFTA mang lại.
Trong bối cảnh này, việc tổng hợp và hệ thống hóa các thông tin tiềm năng, dung lượng, thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là thủy sản và các quy định tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến kiểm dịch động thực vật, VSATTP của Việt Nam đối với nông, lâm, thủy sản XK là hoàn toàn cần thiết. Thêm vào đó chúng ta cần lưu ý về thực tiễn nảy sinh trong quá trình thương mại song phương.
“Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho Việt Nam XK các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản dựa trên những thích ứng rõ nét từ phía Việt Nam, tôi cũng hy vọng không chỉ có 9 loại nông sản, 137 danh mục thủy sản được phép XK sang Trung Quốc mà sẽ còn nhiều hơn thế”, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết.
Hy vọng rằng, với sự quyết tâm và đồng lòng của các cấp ngành càng sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cửa khẩu, các cơ chế, chính sách về XNK, nhất là hoạt động XK các mặt hàng nông,lâm, thủy sản ngày càng thông thoáng và thuận lợi, nhất định các cặp cửa khẩu, điểm thông quan, lối mở, cặp trợ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của các DN khi tham gia hoạt động XNK.
Thời cơ vàng tăng thị phần thịt gà
Theo nongnghiep.vn, so với các nước phát triển, thị phần thịt gia cầm của Việt Nam vẫn khá thấp nên dịch tả lợn Châu Phi là cơ hội vàng để ngành gia cầm nước ta bắt kịp xu thế thế phát triển.
Theo số liệu công bố của thế giới, hiện cơ cấu các loại thịt trong các bữa ăn tại Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… thịt lợn chiếm khoảng 30 - 35%, thịt gia cầm (chủ yếu là thịt gà) chiếm 30 - 35%, còn lại là thịt bò và các sản phẩm thủy sản.
Trong khi đó, theo số liệu Cục Chăn nuôi, trong rổ thực phẩm tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, thịt lợn vẫn chiếm tới 65% trong cơ cấu thực phẩm, thịt gia cầm chiếm xấp xỉ 20%, thịt trâu bò khoảng 5%, còn lại là thủy hải sản.
Với cơ cấu rổ thực phẩm quá nghiêng về thịt lợn như hiện nay vô hình chung khiến ngành chăn nuôi tại Việt Nam mất cân đối, thực tế chứng minh việc tăng trưởng quá nóng ở ngành chăn nuôi lợn đã gây hệ lụy to lớn về môi trường và dịch bệnh trong suốt thời gian qua, điển hình là dịch tả lợn Châu Phi.
Theo số liệu thống kê của Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi tính đến thời điểm hiện tại khiến Việt Nam phải tiêu hủy gần 6 triệu đầu lợn, sản lượng xấp xỉ 400.000 tấn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng thịt của Việt Nam.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năm 2019 ngành gia cầm Việt Nam tăng trưởng khoảng 13%, thủy sản 6,7% và gia súc trên 5%, chưa đủ bù đắp được lượng thiếu hụt thịt lợn do dịch tả lợn Châu Phi.
Bởi theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu thị phần thịt lợn giảm 1% gia cầm phải tăng 5% hoặc gia súc lớn (trâu, bò) phải tăng 10% mới đủ bù đắp vào khoảng trống.
Như vậy, có thể thấy việc ngành chăn nuôi lợn chắc chắn sẽ còn rất khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian dài sắp tới là cơ hội vàng để ngành chăn nuôi gia cầm đầu tư nâng cao năng lực, năng suất sản xuất, tăng trưởng, phát triển bền vững bắt kịp xu thế và cơ cấu chăn nuôi của các nước phát triển.
Đảm bảo cân đối cung cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2020
Theo vtv.vn, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và Tết Canh Tý 2020.
Để đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường thời điểm giáp Tết, Sở Công Thương Tp. Hà Nội đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi báo cáo định kỳ 10 ngày/lần kể từ tháng 12/2019 đến hết tháng 2/2020. Các thông tin định kỳ báo cáo về nguồn cung mặt hàng thịt lợn, gia súc, gia cầm, thủy hải sản và các mặt hàng thực phẩm chế biến.
Sở Tài chính báo cáo kế hoạch và kết quả thực hiện công tác quản lý, kiểm tra giá hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn trong hai đợt. Đợt 1 trước ngày 10/12/2019 và đợt 2 trước ngày 15/1/2020. Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo về kế hoạch và kết quả tuyên truyền công tác phục vụ Tết cũng theo hai đợt như trên.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cung cấp thông tin kết quả kiểm tra, phòng chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Định kỳ 2 tuần/lần vào sáng thứ Sáu báo cáo về Sở. Cung cấp thông tin tình hình thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ Tết trước 14h00 thứ Tư hàng tuần từ ngày 15/12/2019. Ngoài ra, Cục cần gửi báo cáo khi có biến động bất thường để kịp thời phát hiện và xử lý.
Cục Hải quan Hà Nội cung cấp thông tin về tình hình nhập khẩu các mặt hàng phục vụ nhân dân dịp Tết năm 2020 gửi Sở Công Thương định kỳ 10 ngày/lần từ nay cho đến hết tháng 2/2020.
Sôi động thị trường đồ trang trí Giáng sinh
Theo thoibaokinhdoanh.vn, tháng 12 chỉ mới bắt đầu được ít ngày nhưng thị trường đồ trang trí phục vụ lễ Giáng sinh đang khá nhộn nhịp tại khắp các khu chợ, gian hàng đồ lưu niệm với nhiều mẫu mã đẹp mắt.
Thị trường đồ trang trí Giáng sinh (Noel) năm nay được khách hàng đánh giá là đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá từ bình dân đến cao cấp. Trong đó, những đồ trang trí như nến hình quả thông, tuần lộc bông, cây thông đổi màu nhập từ Hàn Quốc, Đức... có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Đáng chú ý, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, trên thị trường Giáng sinh tại Hà Nội năm nay, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm ưu thế với khoảng 70 - 80% thị phần, còn lại phần lớn là sản phẩm của các công ty của các nước khác nhưng sản xuất tại Việt Nam và một số ít hàng nhập.
Giá cả của các mặt hàng cho Giáng sinh năm nay có biến động theo chiều hướng tăng 10-15% so với năm ngoái. Theo đó, giá cây thông giả dao động từ 150.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng/cây tùy vào chất liệu và kích thước.
Dây kim tuyến có giá từ 5.000 - 10.000 đồng/ sợi; các quả châu trang trí đầy màu sắc có giá 30.000 – 60.000/bịch 6 quả; chuông trang trí cây thông có giá 100.000 – 180.000 đồng/quả, tùy vào kích thước.
Bên cạnh đó, những sản phẩm trang trí bình dân còn nổi bật lên những vòng nguyệt quế “khổng lồ” với đường kính từ 60cm trở lên có giá từ 800.000 đồng đến vài triệu đồng/chiếc; bình hoa trang trí cũng có giá dao động 3-10 triệu đồng/bình.
Nguồn: VITIC