menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 19/7/2019:Giá lúa, gạo, thanh long tăng; Giá hạt tiêu, sầu riêng giảm

16:45 19/07/2019

Vinanet - Giá lúa, gạo, thanh long tăng; Giá hạt tiêu, sầu riêng giảm mạnh; Cherry Mỹ giá rẻ; Báo động sự sụt giảm nông sản xuất sang Trung Quốc… là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
Giá lúa, gạo tăng nhẹ
Theo vietnambiz.vn, giá lúa, gạo nguyên liệu xuất khẩu tại ĐBSCL tăng nhẹ 100 - 200 đồng/kg so với cách đây hơn 2 tuần, do nguồn cung giảm vì lúa hè thu 2019 tại nhiều địa phương hiện đã được nông dân thu hoạch và bán hết cho thương lái và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, giá tăng do chất lượng hạt lúa hè thu đạt tốt, nhờ thời tiết nắng, việc thu hoạch lúa diễn ra đúng tiến độ và không bị ảnh hưởng bởi mưa gió như các tuần trước.
Hiện tại, giá lúa tươi IR50404 tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… hiện ở mức 3.850 - 4.100 đồng/kg, trong khi trước đó giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 3.700 - 3.900 đồng/kg.
Các loại lúa tươi hạt dài như OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 9577 đang được nông dân bán cho thương lái với giá 4.500 - 4.600 đồng/kg.
Còn các loại gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận thu mua với giá phổ biến là 6.700 - 7.200 đồng/kg, tùy loại.
Giá hạt tiêu giảm, sản lượng vẫn tăng
Theo nongnghiep.vn, giá thấp, diện tích trồng tiêu giảm hàng ngàn ha, nhưng sản lượng hồ tiêu 2019 vẫn tăng đáng kể. Theo Cục Trồng trọt, giá hồ tiêu từ đầu năm tiếp tục giảm so với những năm gần đây. Đầu vụ, giá khoảng 40.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 6 đến nay giá có tăng lên, hiện từ 45.000 - 47.000 đồng/kg.
Do giá hồ tiêu giảm thấp nhiều năm liền làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, dẫn đến mức đầu tư chăm sóc giảm, nên nhiều vườn cây hồ tiêu sinh trưởng kém, cây bị suy yếu, bệnh hại tấn công làm cho cây hồ tiêu bị chết.
Dù vậy, sản lượng hồ tiêu vẫn tăng khá nhiều do năng suất chung vẫn tăng. Cụ thể, tổng diện tích hồ tiêu cả nước hiện là 145.447 ha, giảm khoảng 4.000 ha so với năm 2018; năng suất 25.5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha và sản lượng khoảng 300 ngàn tấn, tăng 45 ngàn tấn so với năm 2018.
5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 144 nghìn tấn và 372 triệu USD, tăng 33,2% về khối lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2019 đạt 2.621 USD/tấn, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá tiêu đang ở mức thấp so với nhiều năm do nguồn cung lớn. Dự báo trong ngắn hạn, thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu áp lực giảm giá do cung vượt cầu. Thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu chưa thể phục hồi trở lại, song tốc độ giảm sẽ chậm lại.
Giá sầu riêng sụt giảm mạnh
Trang nongnghiep.vn đưa tin, sau 3 năm tăng giá ồ ạt, từ 25.000 – 30.000đ/kg lên 50.000 – 70.000đ/kg sầu riêng, đỉnh điểm có lúc tại vườn lên tới 110.000đ/kg, giá sầu riêng năm 2019 bắt đầu có dấu hiệu chững và đi xuống.
Liệu rằng 3 năm tới, với tốc độ tăng trưởng từ 10 - 20% sản lượng mỗi năm, sầu riêng có trở thành loại quả cần được giải cứu?
Những năm trước 2015, giá sầu riêng tại vườn chỉ dao động từ 25.000 - 30.000đ/kg. Giá bán lẻ sầu riêng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ ở mức 50.000đ/kg.
Từ năm 2016, Trung Quốc ồ ạt mua sầu riêng Việt Nam, nhiều người trồng lãi lớn. Tuy nhiên với thời giá hiện tại, 1 ký sầu riêng tại vườn chỉ 25.000đ thì người nông dân hòa vốn. Cho dù đã có những cảnh báo về việc thừa sản lượng nhưng so với các giống cây khác, sầu riêng vẫn là cây có giá trị kinh tế cao. Với tốc độ phát triển cây sầu riêng như hiện nay, không khó khi đảo qua các diễn đàn chia sẻ trồng sầu riêng, lượng cây giống vẫn được bán ra với số lượng lớn và giá không hề rẻ.
Các giống năng suất cao như Monthong, Mustaking được chào bán ồ ạt và có không ít người mua số lượng lớn.
Với lợi ích kinh tế trước mắt, không ít hộ nông dân phá bỏ cây trồng kém hiệu quả để trồng sầu riêng mà chưa biết đến hậu quả sau này.
Cherry Mỹ ồ ạt về Việt Nam với giá rẻ
Vnexpress.net thông tin, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các thương nhân Trung Quốc ngưng đặt hàng cherry từ Mỹ. Nếu các năm trước cherry Mỹ về Việt Nam có giá 400.000 - 600.000 đồng/kg thì nay được các cửa hàng nhập khẩu bán với giá 230.000 - 350.000 đồng, giảm gần một nửa so với những năm trước.
Giá năm nay giảm tới 40% so với năm ngoái vì tháng 7 là thời điểm cherry Mỹ rộ mùa, nguồn cung lớn. Năm nay lượng hàng nhập về gấp 3 lần năm trước nên thương lượng được giá tốt, lý do cốt yếu khiến nguồn cung năm nay tại Mỹ dư thừa vì Trung Quốc giảm nhập sản phẩm này do chiến tranh thương mại leo thang.
Tại Mỹ, cherry bán tại siêu thị Walmart đang có giá 6,7 USD cho 2,98 pao, tương đương 160.000 đồng cho 1,3 kg.
Giá thanh long tăng mạnh
Theo vnexpress.net, từ tháng 6 đến nay là thời điểm thanh long chính vụ đến ngày thu hoạch. Nếu các năm trước, giá thanh long giảm mạnh thì nay giá loại trái cây này quay đầu đi lên. Hiện ở Bình Thuận 16.000 - 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với tuần trước đó và tăng 40% so với năm ngoái.
Theo nông dân địa phương, mùa thanh long năm nay sản lượng ổn định. Đầu mùa giá còn đạt mức kỷ lục 30.000 đồng một kg. Nguyên nhân khiến giá luôn ở mức cao hơn so với mọi năm vì Trung Quốc tăng thu mua, song song đó, tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ đến một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada, Dubai, Nga... Mặt khác, nông dân Bình Thuận đang hướng đến trồng thanh long sạch để có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới.
Cùng với thanh long ruột trắng, loại ruột đỏ ở khu vực chợ Gạo (Tiền Giang) được thu mua ở mức 30.000 - 40.000 đồng một kg. Khảo sát tại các chợ và siêu thị TP HCM cho thấy, thanh long ruột trắng được bán ra với giá 30.000 đồng, còn ruột đỏ ở mức 40.000 - 70.000 đồng một kg (tùy kích cỡ)
Báo động sự sụt giảm nông sản xuất sang Trung Quốc
Theo baodautu.vn, chưa kịp tận dụng lợi thế từ một số hiệp định FTA vừa ký kết, nông sản nước ta đã đứng trước nỗi lo hiện hữu khi xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất - sụt giảm đáng báo động.
Trong những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm, đứng đầu là gạo (giảm hơn 70%), sắn (giảm gần 18%), thủy sản (giảm gần 10%). Nhiều mặt hàng rau quả tươi vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường này cũng sụt giảm rất mạnh.
Thực tế, việc thị trường Trung Quốc nâng cao chất lượng nông sản nhập khẩu, yêu cầu phải có nhãn truy xuất nguồn gốc đã được cảnh báo cách đây cả năm, song vẫn nhiều doanh nghiệp và người dân chủ quan, nghiễm nhiên coi đây là thị trường dễ tính mà không chịu thay đổi.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định, chúng ta thường nghĩ rằng, Trung Quốc thường xuyên đột ngột thay đổi chính sách. Thực tế, chính sách của họ vẫn giữ nguyên, chỉ cho phép nhập khẩu 8 loại quả. Thế nhưng, chúng ta vẫn bán được các sản phẩm không có trong quy định, như sắn, na, bơ sang Trung Quốc bằng nhiều hình thức và phương cách như trao đổi giữa các cư dân. Có lẽ, chính vì vậy, khi Trung Quốc siết chặt quản lý, nhiều người mới giật mình.
Việc Trung Quốc siết chặt hàng nông sản nhập khẩu là chính sách chung, nhưng cũng có nguyên nhân là cơ quan chức năng nước này phát hiện nhiều lô hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có sai phạm như giả xuất xứ, giả tờ khai, một số loại hàng hóa có tồn dư một số hóa chất vượt ngưỡng quy định...
Sự suy giảm của thị trường Trung Quốc có thể chỉ là tạm thời, song nhìn ở khía cạnh tích cực, đây là lời cảnh báo cần thiết để người dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy, định vị lại thương hiệu nông sản Việt tại thị trường Trung Quốc. Việc không còn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, định vị lại hàng Việt ở phân khúc cao cấp không chỉ giúp nông sản Việt chinh phục lại thị trường tỷ dân này, mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở cửa thêm hàng loạt thị trường mới từ các FTA vừa được ký kết. Muốn vậy, bên cạnh nâng cao chất lượng, người dân, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc và bao bì, nhãn mác sản phẩm theo chuẩn quốc tế.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet