menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 6/5/2019: Giá xi măng, quặng sắt, vải thiều, muối đồng loạt tăng

16:33 06/05/2019

Vinanet - Giá xi măng, quặng sắt, vải thiều, muối đồng loạt tăng; Nhập khẩu ô tô cũng tăng mạnh… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Giá xi măng lại đồng loạt tăng
Theo thông tin từ baodauthau.vn, Công ty CP Xi măng Hướng Dương ngày 24/4/2019 có công văn gửi khách hàng dự kiến điều chỉnh giá bán xi măng Pomihoa bắt đầu từ 1/5/2019 tăng 30.000 đồng/tấn đối với tất cả sản phẩm xi măng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do giá đầu vào sản xuất tiếp tục tăng buộc doanh nghiệp quyết định điều chỉnh giá bán sản phẩm lên 50.000 đồng/tấn.
Đây là đợt điều chỉnh tăng giá bán xi măng lần thứ hai của doanh nghiệp kể từ đầu năm 2019. Như vậy, tính chung cả hai đợt điều chỉnh tăng giá bán (tháng 3/2019 tăng 30.000 đồng/tấn) và đợt tăng giá bán lần này (tháng 5/2019), giá bán xi măng đã tăng bình quân 80.000 đồng/tấn.
Nguyên nhân do chi phí nguyên vật liệu đầu vào như giá điện, giá than, giá xăng dầu…tăng cao buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán để đảm bảo chi phí sản xuất.
Công ty TNHH Sắt thép Xây dựng Minh Đức – đơn vị phân phối vật liệu xây dựng cập nhật ngày 4/5/2019 cho thấy, giá bán xi măng đang tiếp tục được điều chỉnh tăng 30.000 -50.000 đồng/tấn. Đơn cử như: Xi măng Hoàng Long tăng 50.000 đồng/tấn, xi măng Xuân Thành tăng 50.000 đồng/tấn…”, dự báo nhiều khả năng từ nay đến cuối năm 2019 giá bán xi măng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng.
Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 4 tháng đầu năm, mới đây, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, sản lượng sản phẩm xi măng được tiêu thụ tại thị trường trong nước ước đạt khoảng 21,65 triệu tấn so với kế hoạch tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước của cả năm từ 66 - 67 triệu tấn.
Lũy kế tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2019 cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã đạt khoảng 35,45 triệu tấn sản phẩm, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, Vicem tiêu thụ 4 tháng đầu năm khoảng 8,42 triệu tấn.
Giá quặng sắt tăng cao ảnh hưởng mạnh đến DN thép
Theo baodauthau.vn, mối lo ngại của các chuyên gia và doanh nghiệp thép về hoạt động kinh doanh của ngành này ngay từ đầu năm 2019 đã trở thành hiện thực. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019 cho thấy, kể cả doanh nghiệp thép lớn cũng báo lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí lỗ.
Công ty CP Thép Pomina bất ngờ báo lỗ tới 83,66 tỷ đồng trong quý I/2019. Trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp này báo lãi hơn 209 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên của Pomina từ quý I/2015 trở lại đây.
Công ty CP Thép Nam Kim khi báo lỗ quý I/2019 lên tới gần 102 tỷ đồng. Thậm chí, Nam Kim còn bán hàng dưới giá vốn.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng báo lợi nhuận ròng sụt giảm tới 19% so với quý I/2018, từ 2.222 tỷ đồng xuống còn 1.810 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán hàng vẫn tăng trưởng 15%, từ 13.000 tỷ đồng lên 14.963 tỷ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận lợi nhuận quý I/2019 giảm 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 86,6 tỷ đồng xuống còn 53,2 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là giá quặng sắt tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn Khai thác mỏ Vale bị tước giấy phép, khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt.
Cụ thể, năm 2018, giá quặng sắt dao động quanh mức 65 USD/tấn, thì sang năm 2019 đã tăng vọt lên khoảng 85 USD/tấn, thậm chí có thời điểm lên tới 90 USD/tấn, tương ứng với mức tăng khoảng 30 - 35%.
Ngoài diễn biến phức tạp của giá cả nguyên vật liệu đầu vào, một thử thách khác cho ngành thép trong thời gian tới chính là giá điện bình quân tăng 8,36% kể từ ngày 20/3.
Nhập khẩu ô tô về Việt Nam tăng mạnh
Theo kinhtedothi.vn, trong tháng 4, Việt Nam đã chi 576 triệu USD để nhập khẩu ô tô. Trong đó, lượng xe nguyên chiếc được nhập khẩu đạt 13.000 xe, đạt trị giá 256 triệu USD. Với con số này, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019 đã đạt 52.000 chiếc, trị giá 1,139 tỷ USD.
Tháng 4/2019, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng tới 502% về lượng và 422% lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tổng 4 tháng đầu năm nay xe nhập khẩu tăng tới 778% về lượng và 637% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, khi gần như không có xe nhập khẩu được đưa về Việt Nam.
Xe nhập liên tục đổ bộ, nhu cầu thị trường cũng tăng lên rõ rệt, khoảng cách về doanh số của xe nhập khẩu và xe lắp ráp đang rút ngắn đáng kể.
Tính 3 tháng gần đây, kim ngạch nhập khẩu ô tô luôn vượt qua mốc 13.000 chiếc về lượng và vây quanh mức 300 triệu USD về giá trị, cao cấp nhiều lần so với cùng giai đoạn này của năm 2018.
Sau trọn vẹn năm 2018 bị rơi vào tình trạng ùn tắc, thị trường ô tô Việt Nam gần như chỉ được đáp ứng bởi các loại xe lắp trong nước. Do đó, việc ô tô nhập khẩu nguyên chiếc liên tục đổ về nước đang giúp thỏa mãn nhu cầu thị trường.
Vải thiều đầu mùa giá cao ngất ngưởng
Kinhtedothi đưa tin, mới đầu tháng 5 nhưng tại nhiều chợ trên địa bàn Thủ đô, vải đầu mùa (hay còn gọi là vải tu hú) đã bắt đầu được bày bán, tuy nhiên, cung không đủ cầu nên giá bán cao ngất ngưởng.
Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên loại rẻ nhất nhập là 40.000 – 45.000 đồng/kg nhưng bị sâu đầu nhiều. Loại ngon hơn, ít sâu đầu hơn giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó tại một số chợ trên địa bàn như: Chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công, Kim Liên... giá vải đầu mùa dao động từ 75.000 – 100.000 đồng/kg. Còn tại một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Minh Khai, vải đang có giá 106.000 đồng/kg. Theo nhân viên bán hàng, đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.
Bộ Y tế muốn luật hóa bán rượu bia theo giờ
Theo vneconomy.vn, ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
Quan điểm của Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là chúng ta cần quan tâm đến nội dung làm thế nào để kiểm soát được rượu bia. Theo đó, thay vì bỏ ra như trước đây, hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, vừa qua Quốc hội cũng đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng.
Theo dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến với 3 phương án về khung giờ cấm bán sản phẩm này. Cụ thể, phương án 1 là chỉ được bán trong khung giờ 11-14h và 17-22h; phương án 2 là chỉ bán từ 6-22h hằng ngày. Khung giờ cấm này không áp dụng với tuyến phố kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 3 theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định như trên sẽ tạo ra hiệu ứng phụ, khiến người uống bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn.
Đại diện VCCI cũng đề nghị cần xem lại tính khả thi, tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì bị thiệt, cơ sở nhỏ, lẻ không những trốn thuế, không thực hiện bất cứ hoạt động gì lại có lợi.
Giá muối tăng mạnh
Theo laodong.vn, mùa mưa chính thức bắt đầu, mùa muối năm 2019 tại Bạc Liêu cũng kết thúc. Năm nay, nắng nóng kéo dài thuận lợi cho những người làm muối. Năng suất rất cao và giá muối lần đầu tiên sau 10 năm tỉ lệ thuận với năng suất.
Hiện tại giá muối trắng thương lái mua tại ruộng 1.500 - 1.600 đồng/kg; muối đen 900 – 1.000 đồng/kg; cao gấp 2 – 3 lần so với năm 2018. Với giá hiện tại, diêm dân có lãi khoảng 40 -50 triệu đồng/ha/vụ.
Mặc dù giá muối hiện có tăng mạnh so với trước, nhưng Bạc Liêu tiếp tục khống chế diện tích sản xuất, đồng thời khuyến khích diêm dân chuyển một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, ổn định, điển hình như việc nuôi Artemia làm thức ăn cho tôm cá.
Phó giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu lý giải: “ Giá muối không phải lúc nào cũng cao, trong khi Bạc Liêu có diện tích sản xuất lớn nhất nước. Khi muối bán không được, đời sống diêm dân vô cùng khó khăn. Chính vì vậy chúng tôi không mở rộng diện tích sản xuất muối”.
Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước với 1.700 ha, với sản lượng hàng năm hơn 100.000 tấn. Muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 
 

Nguồn:Vinanet