menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 7/11/2019: XK gạo khó khăn; Đức kiểm soát chặt chlorate cá tra

16:19 07/11/2019

Vinanet - Đức kiểm soát chặt dư lượng chlorate trong cá tra; Cá da trơn VN đủ điều kiện XK sang Mỹ; XK gạo khó khăn; 8 cảng biển được tiếp nhận thủy sản nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Mỹ công nhận cá da trơn Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn, Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa chính thức công nhận cho ngành cá da trơn của Việt Nam, trong đó chủ yếu là cá tra, đủ điều kiện xuất khẩu sang quốc gia này.
Bộ Công thương cho biết, FSIS đã đưa ra quyết định cuối cùng rằng, hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes của 3 quốc gia là Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Mỹ xác lập theo Luật Thanh tra Liên bang sản phẩm thịt và các quy định thực thi có liên quan.
Trước đó, tháng 9/2018, FSIS cũng đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes nguyên liệu vào thị trường Mỹ. Đề xuất đã được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày (từ ngày 19/9 - 19/10/2018) trên Công báo liên bang Mỹ. Theo FSIS, hành động đề xuất này dựa trên việc FSIS đã xem xét luật, quy định và hệ thống kiểm tra của Việt Nam và đã xác định rằng hệ thống kiểm tra cá Siluriformes của Việt Nam tương đương với hệ thống kiểm tra, giám sát của Hoa Kỳ theo Đạo luật Thanh tra sản phẩm thịt liên bang (FMIA) và các quy định thực thi liên quan.
Theo đề xuất, chỉ các sản phẩm cá và cá Siluriformes nguyên liệu được sản xuất tại các cơ sở được chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam mới đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Tất cả các sản phẩm này sẽ được kiểm tra lại tại các cơ sở kiểm định của FSIS tại Mỹ.
Xuất khẩu gạo: Đối mặt khó khăn
Theo bnews.vn, sản lượng xuất khẩu gạo tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch lại giảm khá mạnh do giá xuất khẩu gạo liên tục giảm và duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2018. Thậm chí có thời điểm, giá gạo xuất khẩu đã “chạm đáy” trong 12 năm qua.
10 tháng năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn với 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nhiều năm liền, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc ổn định ở mức 2 triệu tấn/năm, giá trị khoảng 900 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2018 giảm khá mạnh, do Trung Quốc đã bắt đầu thực thi hàng loạt quy định đối với nông sản Việt Nam; trong đó có mặt hàng gạo.
Philippines dự kiến sẽ giảm nhập khẩu mặt hàng này trong năm tới, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và năng suất của các doanh nghiệp trong nước được cải thiện. Việc thiếu vắng các thỏa thuận mới, đặc biệt là do nhu cầu từ Philippines suy giảm trong bối cảnh có những dự báo thị trường quan trọng này có thể cắt giảm nhập khẩu gạo để hỗ trợ nông dân địa phương. Điều này đã tạo sức ép lên giá gạo của Việt Nam.
Indonesia sẽ ưu tiên nhập khẩu nhiều loại nông sản; trong đó, có gạo từ Ấn Độ, sau khi quốc gia Nam Á này đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô từ Malaysia và Indonesia vào đầu tháng 9/2019. Indonesia sẽ dành ưu tiên cho các sản phẩm của Ấn Độ, nhất là gạo basmati.
Nhu cầu tiêu thụ gạo đang giảm đi, trong khi các nước tăng cường chấn hưng nông nghiệp, gia tăng nguồn cung trong nước… nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định chính trị, xã hội.
Điều này không chỉ tác động đến việc xuất khẩu gạo Việt Nam mà ngay cả nước đứng đầu xuất khẩu gạo thế giới là Thái Lan cũng gặp không ít khó khăn.
Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới là phải thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu khác cần đẩy mạnh là Philippines, châu Phi… Giải pháp trước mắt là mở rộng thị trường mới, tập trung gồm châu Phi, ASEAN để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, chủ trương ngành sẽ giảm 500.000 ha đất lúa để chuyển sang đối tượng sản xuất nông nghiệp khác là thủy sản, trái cây... Mỗi vùng miền có thế mạnh nào sẽ chuyển đổi đối tượng đó để giảm áp lực về sản lượng lúa gạo. Ngành lúa gạo cần tập trung chế biến sâu hơn nữa, chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà là các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu, kể cả sản phẩm gạo cũng phải đa dạng như: gạo hữu cơ, gạo dược liệu… mới đem lại hiệu quả.
Đức kiểm soát chặt dư lượng chlorate trong sản phẩm cá tra nhập khẩu

Theo haiquanonline.com.vn, Đức đang thắt chặt việc kiểm soát dư lượng chlorate trong sản phẩm cá tra nhập khẩu, để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp thủy sản cần lưu ý thực hiện nghiêm quy định.

Theo VASEP, hiện Đức đang thắt chặt việc kiểm soát dư lượng Chlorate trong sản phẩm cá tra nhập khẩu nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra cảnh báo về các lô hàng nhập khẩu có liên quan tới dư lượng Chlorate.
Chlorate (ClO₃) là muối của axit chloric, có nguồn gốc từ hóa chất khử trùng chlorine được sử dụng phổ biến trong xử lý nước dùng trong chế biến thực phẩm và nước ăn uống. Từ năm 2008, Ủy ban châu Âu đã ban hành quy định (EC) số 2008/865/EC theo đó, các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa Chlorate bị đưa ra khỏi danh sách được phép sử dụng.
Hiện có hơn 15 DN Việt Nam tham gia XK cá tra sang thị trường Đức. Sản phẩm XK sang thị trường này cũng khá đa dạng như: Cá tra cắt khúc đông lạnh (HS 030324); da cá tra đông lạnh (HS 030399); cá tra phile đông lạnh (HS 030462); phile cá tra organic (loin lưng) đông lạnh (thuộc HS 030462)...
Công bố 8 cảng biển được tiếp nhận thủy sản nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất
Theo vietnambiz.vn, Bộ NN&PTNT đã ra Quyết định 3919 về các cảng biển được phép tiếp nhận tàu thủy sản cho nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh.
Theo đó, Bộ chỉ định và công bố đợt I năm 2019 Danh sách cảng biển cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng.
Mục đích là thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam, trừ tàu container chở thủy sản, sản phẩm thủy sản.
Đối với những lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài đã xếp hàng xuống tàu hoặc đang trên đường vận chuyển để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyên khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam trước khi Quyết định này có hiệu lực thì được tiếp tục cho tàu cập cảng theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký, nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Trong số 8 cảng biển được công bố chỉ có một cảng biển duy nhất ở miền Bắc, còn lại đều thuộc khu vực phía nam.
Nguồn: VITIC