menu search
Đóng menu
Đóng

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)

10:10 22/05/2020

Vinanet - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Sau đây là những nội dung chính của Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày trước Quốc hội sáng ngày 20 tháng 5 năm 2020:
Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua vào giữa tháng 2 năm 2020 và được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào cuối tháng 3 năm 2020. Ngày 24 tháng 4 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình. Như vậy Hiệp định EVFTA giờ chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Liên quan đến việc thực hiện các thủ tục nội bộ của Việt Nam, Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, ngày 18 tháng 4 năm 2020, Chủ tịch nước đã trình Quốc hội xem xét việc phiê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ngày 20 tháng 4 năm 2020, Chính phủ cũng đã có báo cáo thuyết minh về Hiệp định EVFTA gửi Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 28 tháng 4 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chính phủ đã cập nhật, hoàn thiện Báo cáo thuyết minh bổ sung về Hiệp định EVFTA trình Quốc hội tại văn bản số 192/BC-CP ngày 8 tháng 5 năm 2020.
Theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 28 tháng 4 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, hồ sơ trình và trình tự thủ tục về việc trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã đáp ứng các quy định của Luật Điều ước quốc tế. Trong khuôn khổ cuộc họp ngày hôm nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin làm rõ một số nội dung quan trọng trong Báo cáo thuyết minh bổ sung về Hiệp định EVFTA của Chính phủ như sau:
Về sự cần thiết và thời điểm phê chuẩn Hiệp định:
Bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, việc Hiệp định được hai bên ký kết và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn có vai trò rất lớn của Quốc hội Việt Nam với việc ban hành các văn bản pháp luật cũng như tiến hành các hoạt động ngoại giao cần thiết và kịp thời để xử lý những vấn đề mà EU quan tâm.
Bên cạnh những tác động tích cực và rõ rệt về mặt kinh tế và cải cách pháp luật – thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, với những cam kết đã được, Hiệp định dự kiến cũng sẽ giúp việc giảm nghèo nhanh hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp địnhnày cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộcnhóm 40% có thu nhập thấp nhất.
Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực. Hoặc hai bên cũng có thể thống nhất với nhau về một thời điểm khác để Hiệp định chính thức có hiệu lực. Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12 tháng 02 năm 2020 và Hội đồng châu Âu ký duyệt vào ngày 30 tháng 3 năm 2020. Ngày 24 tháng 4 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.
Do vậy, trong bối cảnh nêu trên và với những lợi ích tích cực mà Hiệp định EVFTA mang lại, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định trên tinh thần là vào thời điểm sớm nhất nhằm tận dụng các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ có những tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Chính phủ dự kiến sẽ đưa việc đánh giá định lượng tác động của Hiệp định EVFTA một cách toàn diện gắn với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, dự báo các xu hướng phát triển kinh tế quốc tế… vào Kế hoạch thực thi EVFTA để triển khai với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực để từ đó có những giải pháp đối phó phù hợp và kịp thời.
Về vấn đề liên quan đến Anh:
Khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có “giai đoạn chuyển tiếp” trước khi chính thức rời khỏi EU. Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến hết 31 tháng 12 năm 2020 (và có thể gia hạn đến 24 tháng). Theo đó, nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.

Vừa qua, Phái đoàn EU và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương thông báo chính thức về hiệu lực và nội dung của Thỏa thuận này, đồng thời yêu cầu Việt Nam có xác nhận chính thức về việc vẫn áp dụng các thỏa thuận quốc tế giữa EU và Việt Nam (trong đó có Hiệp định EVFTA) đối với Anh như là một thành thành viên EU cho đến hết giai đoạn chuyển đổi trong trường hợp các thỏa thuận này có hiệu lực trong thời gian chuyển đổi.
Do vậy, kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho tới hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31 tháng 12 năm 2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).
Đối với giai đoạn sau thời gian chuyển đổi, để tránh bị gián đoạn thương mại, các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Anh đã và đang thảo luận về khả năng hai bên đàm phán và ký kết một hiệp định thương mại tự do trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp về kỹ thuật và cân bằng lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc. Các nước khác (ví dụ như Xinh-ga-po) cũng có cách làm tương tự. Tuy vậy, việc thảo luận này là “không chính thức” vì Anh mới chỉ có được thẩm quyền đàm phán các hiệp định kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 và thực tế vẫn chưa triển khai được chính thức do dịch Covid-19; và Hiệp định EVFTA vẫn chưa được Quốc hội thông qua để chính thức có hiệu lực. Do vậy, dự kiến sau khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA thì Việt Nam sẽ thảo luận “một cách chính thức” vấn đề đàm phán và ký kết một hiệp định song phương với Anh theo cách tiếp cận nêu trên.
Việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại tự do với Anh sau khi nước này rời khỏi EU sẽ góp phần củng cố và tăng cường trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh trong bối cảnh Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại thị trường châu Âu với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại bình quân là 17,8%/năm. Tính đến tháng 12 năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,61 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,76 tỷ USD, nhập khẩu từ Anh đạt 856,7 triệu USD, thặng dư thương mại là 4,9 tỷ USD.
Về việc sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp trung ương đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2019.Việc rà soát có tham khảo và đối chiếu với kết quả rà soát Hiệp định CPTPP. Theo đó, những quy định nào phải sửa đổi, bổ sung theo cam kết trong Hiệp định CPTPP thì sẽ không được nêu lại trong kết quả rà soát theo Hiệp định EVFTA. Ở cấp độ luật, tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 02 văn bản bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, cụ thể như sau:
Đối với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009: Do dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (bao gồm cả các nghĩa vụ theo cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị áp dụng trực tiếp các nghĩa vụ của EVFTA trong thời gian kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua và chính thức có hiệu lực.
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010: Hiện Chính phủ đang đề xuất trình Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị Quốc hội đồng ý đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Dự án luật này bao gồm cả những sửa đổi để thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Trong quá trình thẩm tra, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét sửa đổi cả Luật Dược và Luật Đấu thầu để bảo đảm hành lang pháp lý phù hợp và minh bạch với Hiệp định EVFTA. Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã rà soát kỹ lưỡng để kiến nghị phương án sửa đổi pháp luật cho phù hợp. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định chỉ mở cho các nhà thầu của EU. Do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này thay vì phải sửa luật. Cách làm này cũng tương tự như Hiệp định CPTPP mà hiện Chính phủ đã và đang triển khai.
Ngoài ra, có một số cam kết/nhóm cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn EVFTA. Các cam kết này liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, chứng nhận phù hợp với quy định của Hiệp định UNECE 1958 về chấp nhận các quy định kỹ thuật đối với ô tô, các vấn đề về hợp tác, giải quyết tranh chấp. Danh mục áp dụng trực tiếp này đã được chi tiết hóa trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn EVFTA nhằm bảo đảm việc thực thi được thuận lợi và hiệu quả.
Trong trường hợp Quốc hội quyết định phê chuẩn EVFTA với phương án sửa luật như trên, các nội dung sửa đổi kèm theo lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Nghị quyết để Quốc hội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giao các Bộ, ngành triển khai việc dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định.
Về công tác chuẩn bị cho việc thực hiện EVFTA:
Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ. Chính phủ cũng đã dự kiến các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA với 5 nhóm công việc chính gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến; (2) Xây dựng pháp luật, thể chế; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh; (4) Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở; và (5) Chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Các công việc cụ thể đã được chi tiết cho từng Bộ, ngành với thời gian thực hiện tương ứng. Sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.
Trên cơ sở các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của cơ quan, địa phương mình nhằm kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó, để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương chủ động rà soát để có thể tiến hành ngay việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ, bảo đảm các văn bản này được ban hành đúng thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với các văn bản này.

Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Link gốc