menu search
Đóng menu
Đóng

600 tỷ USD - cái giá GDP toàn cầu phải trả khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đạt

09:17 29/05/2019

Vinanet -Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện ở giai đoạn nguy hiểm, thuế tăng và xuất hiện những đe dọa mới. Lãnh đạo hai nước dự kiến gặp thượng đỉnh vào tháng 6 nhưng tình trạng căng thẳng được cho còn kéo dài, hỗn loạn và gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế thế giới.
Hai nhà kinh tế Dan Hanson và Tom Orlik của Bloomberg liệt kê ba kịch bản chính. Họ kết luận nếu thuế được áp lên toàn bộ giá trị hàng hóa thương mại Mỹ - Trung và thị trường đi xuống, GDP toàn cầu sẽ mất 600 tỷ USD vào năm 2021, năm tác động đạt đỉnh điểm.
Ngày 10/5, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố đáp trả, tăng thuế từ 5 – 10% lên 5 – 25% với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6.
Trong hai năm tới, mô hình của Bloomberg cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ sẽ giảm lần lượt 0,5% và 0,2% so với không có chiến tranh thương mại. GDP toàn cầu cũng giảm.
Tăng trưởng GDP các quý dự kiến của Trung Quốc, Mỹ và thế giới.
Mỹ còn dọa áp thuế 25% lên thêm khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng nghĩa toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chịu thuế. Động thái trên chắc chắn sẽ bị đáp trả.
“Nếu bạn muốn đàm phán, cánh cửa vẫn rộng mở. Nếu bạn muốn chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, một người dẫn chương trình Trung Quốc nói trên truyền hình, phần nào thể hiện quan điểm của Bắc Kinh.
Trong trường hợp thuế 25% được áp lên toàn bộ hàng hóa thương mại song phương, mô hình cho thấy GDP của Trung Quốc, Mỹ và thế giới lần lượt giảm 0,8%, 0,5% và 0,5% vào giữa năm 2021.
Tăng trưởng GDP các quý dự kiến của Trung Quốc, Mỹ và thế giới trong trường hợp thuế 25% được áp lên toàn bộ hàng hóa thương mại song phương.
Thị trường tài chính đã biến động theo từng dòng tin mới về cuộc chiến thương mại, chứng khoán Trung Quốc có nhiều ngày giảm sâu. Dù vậy, tính từ đầu năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Phố Wall vẫn đi lên, cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt cược vào khả năng một thỏa thuận thương mại được thiết lập. Nếu họ sai, và những công ty lớn như Apple bị áp thuế, thị trường chứng khoán sẽ điều chỉnh mạnh.
Kịch bản ác mộng của Hanson và Orlik có thêm yếu tố thị trường chứng khoán giảm 10%. Trong trường hợp này, GDP Trung Quốc, Mỹ và thế giới lần lượt giảm 0,9%, 0,7% và 0,6% vào giữa năm 2021. Thị trường chứng khoán giảm tạo ra lực cản với tiêu dùng và đầu tư, khiến ảnh hưởng gia tăng.
Tăng trưởng GDP các quý dự kiến của Trung Quốc, Mỹ và thế giới trong kịch bản ác mộng.
Hệ quả của bất kỳ kịch bản nào cũng sẽ lan ra ngoài phạm vi Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhà kinh tế Maeva Cousin của Bloomberg sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) để xác định nền kinh tế nào sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Kết quả cho thấy đòn giáng mạnh nhất từ việc xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm sẽ rơi vào Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Malaysia – nằm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu của châu Á. Khoảng 1,6% GDP Đài Loan có liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, máy tính và thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng lớn. Con số này với Hàn Quốc và Malaysia lần lượt là 0,8% và 0,7%.
Các nước phụ thuộc nhiều vào việc Mỹ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc là Canada và Mexico nhưng tác động lên hai quốc gia này ít hơn nhiều so với các nền kinh tế láng giềng Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại leo thang cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối bằng nhiều cách nhau: thay đổi dòng chảy thương mại cùng các chính sách tăng trưởng, tiền tệ.
David Powell, nhà kinh tế của Bloomberg, sử dụng số liệu từ OECD để xác định đồng tiền nào sẽ biến động nhiều nhất. Giá trị các đồng tiền được tính dựa trên mô hình tỷ giá hối đoái của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có điều chỉnh theo lạm phát.
Với Trung Quốc có thể là bên thua nặng nhất trong chiến tranh thương mại, nhân dân tệ đang bị định giá quá cao, theo mô hình của Powell, cùng với baht Thái Lan và đôla Canada.
Đồng tiền của Mỹ, Trung Quốc, Canada và Thái Lan đang bị định giá quá cao.

Nguồn: Như Tâm/Người đồng hành/Bloomberg