menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế thế giới: Một số thông tin đáng chú ý tuần đến 22/2/2019

08:58 22/02/2019

Vinanet -Cuộc chiên thương mại Mỹ - Trung, những chính sách thuế của Chính phủ Mỹ và dự báo của FED về nền kinh tế Mỹ trong năm 2019… là những thông tin nổi bật kinh tế thế giới trong tuần qua.
FED dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2018
Trong biên bản cuộc họp chính sách mới nhất công bố ngày 20/2, giới chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá về cơ bản, nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì sự ổn định.
Trong bối cảnh các nguy cơ mang tính toàn cầu gia tăng, đặc biệt các mối quan hệ thương mại quốc tế căng thẳng, năm 2019 được dự báo là năm khá ảm đạm đối với nền kinh tế Mỹ, khó duy trì được tốc độ tăng trưởng khá tích cực của năm ngoái.
FED đã 4 lần tăng lãi suất cho vay trong năm 2018 với lần cuối cùng là trong tháng 12. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy "triển vọng kinh tế đang trở nên khó đoán định".
Tổng thống Mỹ tiếp tục cảnh báo áp thuế với ôtô nhập từ EU
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gia tăng sức ép đối với giới chức thương mại nước này và châu Âu khi một lần nữa cảnh báo sẽ áp thuế đối với ôtô nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) nếu hai bên không thể đạt được một thỏa thuận thương mại.
Lời cảnh báo trên được đưa ra với mức độ cao hơn, sau khi Bộ Thương mại Mỹ nộp báo cáo điều tra, qua đó mở đường cho Tổng thống Trump áp thuế cao đối với ôtô nhập từ EU đến 25% trong vòng 90 ngày tới, với lý do đe dọa an ninh quốc gia.
Với lập luận đảm bảo an ninh quốc gia, chính quyền của Tổng thống Trump đã tăng thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu.
Điều này kéo theo các biện pháp trả đũa từ EU, Canada, Mexico và Trung Quốc, áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị hơn 3 tỷ USD từ Mỹ, như rượu, quần bò và xe motor Harley Davidson.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung "phức tạp" nhưng "tiến triển tốt"
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc "rất phức tạp", song đang "tiến tiển tốt", đồng thời tiếp tục ngỏ ý có thể gia hạn thời hạn chót tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1/3 tới.
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trước thềm cuộc đàm phán thương mại tiếp theo giữa các quan chức cấp cao hai nước, dự kiến diễn ra vào ngày 21 và 22/2 tại Washington.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót. Trước đó, sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc tại Bắc Kinh ngày 15/2 mà không đạt được thỏa thuận nào.
Nếu Tổng thống Mỹ không gia hạn thời hạn chót, ngày 1/3 tới, Mỹ sẽ tăng mức áp thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 200 tỷ USD.
Ôtô và linh kiện nhập khẩu vào Mỹ có thể phải chịu "sưu cao thuế nặng"
Ngày 17/2, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump một báo cáo được cho là có thể mở đường để người đứng đầu Nhà Trắng áp một loạt các mức thuế quan mạnh tay đối với ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu. Động thái này đã kéo theo làn sóng phản đối của ngành xe hơi Mỹ mặc dù nội dung báo cáo chưa được công bố.
Việc đánh thuế tối đa 25% đối với hàng triệu ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu sẽ khiến giá xe hơi tại Mỹ "đội" thêm hàng nghìn USD và đe dọa làm mất đi 366.900 việc làm của ngành ôtô và các ngành liên quan. Giá các xe hạng nhẹ sẽ tăng thêm trung bình 2.750 USD/xe, qua đó kéo doanh số hàng năm của ngành ôtô Mỹ giảm 1,3 triệu xe.
Trung Quốc sẽ thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài năm 2019
Tờ China Securities News ngày 18/2 nhận định, Trung Quốc sẽ thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục mở rộng tiếp cận cho doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường vốn của nước này.
Báo trên dẫn báo cáo do ngân hàng Citibank cho biết, trong năm 2018, thị trường vốn của Trung Quốc đã tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài cao kỷ lục 120 tỷ USD. Citibank dự báo nguồn vốn nước ngoài trị giá 200 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường vốn Trung Quốc trong năm 2019.
Nhiều hãng đồ chơi Mỹ tính chuyển hoạt động sang Việt Nam
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất đồ chơi của Mỹ, buộc một số thương hiệu lớn tính đến kế hoạch di chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Một số nhà sản xuất đồ chơi của Mỹ cho biết nếu sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, thay vì Trung Quốc, sản phẩm của họ sẽ đắt gấp năm lần và người tiêu dùng sẽ không mua sản phẩm với mức giá cao như vậy. Trong trường hợp Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với nguyên liệu thô, các doanh nghiệp có thể phá sản hoặc buộc cắt giảm nhân công.
Hãng sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Hasbro của Mỹ có kế hoạch giảm lượng sản phẩm đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc xuống còn 60% vào năm 2020, so với mức 69% năm 2018 và 86% năm 2012. Hãng này dự kiến sẽ di chuyển một số hoạt động sản xuất sang các thị trường Mỹ, Mexico, Việt Nam và Ấn Độ.
Doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đến nông sản Việt
Ngày 18/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với đoàn một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc sang tìm hiểu để hợp tác đầu tư và nhập khẩu các loại nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản, Bộ NN&PTNT Trần Văn Công cho biết, đây là các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc. Các doanh nghiệp này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các nông lâm thủy sản như: trái cây, thủy sản, gạo, các sản phẩm chăn nuôi…
Tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã thống nhất việc nhập khẩu ngay 100.000 tấn gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, cá lóc, các loại rau quả như khoai lang tím, sầu riêng cũng là các sản phẩm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, họ mong muốn được tiếp xúc với doanh nghiệp Việt Nam lớn, có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn qua con đường chính ngạch.
Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn:Vinanet