menu search
Đóng menu
Đóng

Mỹ tự vệ thương mại, doanh nghiệp FDI có bị ảnh hưởng?

10:10 02/02/2018

Vinanet -Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ tuyên bố áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào nước này. Liệu động thái trên có ảnh hưởng đến các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam?
Bắt đầu “dính đòn”
Không còn là nguy cơ nữa, cũng như nhiều thị trường sản xuất khác trên toàn cầu, Việt Nam đã bắt đầu bị “dính đòn” bởi chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với 2 sản phẩm là máy giặt và tấm pin năng lượng nhập khẩu vào nước này, với lý do 2 mặt hàng đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ.
Thực tế, các vụ kiện phòng vệ thương mại này đã bắt đầu từ tháng 5/2017 đối với pin năng lượng mặt trời và tháng 7/2017 đối với máy giặt. Đây là vụ điều tra toàn cầu, tức là áp dụng đối với tất cả máy giặt cũng như pin năng lượng mặt trời vào Mỹ, không phân biệt xuất xứ, song do tại Việt Nam, có nhiều nhà máy chuyên sản xuất 2 mặt hàng này, đặc biệt là các nhà máy sản xuất máy giặt của Samsung và LG, nên Việt Nam là vẫn là một bên có liên quan.
Giới quan sát cho rằng, đây là động thái lớn đầu tiên của Tổng thống Donald Trump về thương mại kể từ khi lên cầm quyền, sau khi ông đã đưa ra nhiều cảnh báo sẽ không nương tay với những hoạt động thương mại mà ông cho là bất bình đẳng, gây thiệt hại cho Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong 11 tháng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm máy giặt vào Mỹ trị giá 537,7 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức 795.000 USD năm 2015.
Về xuất khẩu pin năng lượng mặt trời, Mỹ không đưa ra số liệu nhập khẩu cụ thể. Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế tự vệ thương mại đối với 2 sản phẩm này được cho là sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Ngoài ra, cũng cần “cảnh giác” ngay cả với các sản phẩm khác, bởi Việt Nam đang xuất siêu vào thị trường này.
Dự án FDI tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng?
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với 2 sản phẩm nói trên, LG đã tuyên bố sẽ phải tăng giá sản phẩm máy giặt xuất khẩu vào Mỹ. Samsung thì khẳng định, đây là “một tổn thất lớn cho người tiêu dùng và công nhân Mỹ”.
Theo Samsung, với động thái này, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn, trong khi có ít lựa chọn hơn. Còn hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dự báo, xuất khẩu máy giặt thương hiệu Hàn Quốc sang Mỹ sẽ giảm một nửa.
Tuy nhiên, điều quan trọng là, các nhà sản xuất này sẽ “phản ứng” thế nào đối với các nhà máy đang sản xuất tại Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Samsung Việt Nam khẳng định, việc sản xuất máy giặt tại Việt Nam sẽ không có sự thay đổi nào. “Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất nhằm thỏa mãn và đáp ứng tối đa nhu cầu của mọi khách hàng trên khắp thế giới.
Mặc dù vậy, có một thực tế, Samsung đã phải xây dựng một nhà máy sản xuất máy giặt ở Mỹ. Samsung thậm chí đã tuyển hơn 600 công nhân Mỹ làm việc tại nhà máy mới của Tập đoàn ở South Carolina và cũng đã bắt đầu sản xuất những chiếc máy giặt chất lượng cao từ ngày 12/1. Xem ra, tập đoàn này đã lường trước khả năng bị Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Theo chân Samsung, LG cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy mới tại Mỹ.
Quý I/2017, Samsung đã vươn lên vị trí quán quân trên thị trường máy giặt Mỹ, với 19,7% thị phần. Còn LG đứng thứ 3, với 16,8%. Whirlpool, nhà sản xuất máy giặt lâu đời của Mỹ và là nguyên đơn của vụ kiện chỉ còn nắm giữ 17,3% thị phần, đứng thứ hai. Thị trường rộng lớn như vậy, nên dễ hiểu vì sao cả Samsung lẫn LG đều nhanh chân xây nhà máy ở Mỹ. Như vậy, ở một chừng mực nào đó, việc này sẽ ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các nhà máy ở Việt Nam.
Sản xuất máy giặt đã vậy, sản xuất pin năng lượng mặt trời chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ. Điều đáng quan tâm là, việc Mỹ đánh thuế phòng vệ thương mại có ảnh hưởng tới các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam hay không?
Tại Việt Nam, hiện có một số dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời, trong đó có 2 dự án lớn, là First Solar (Mỹ, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, tại TP.HCM) và JA Solar (Trung Quốc, vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Bắc Giang). First Solar sau một thời gian dừng triển khai, thậm chí đã từng định bán dự án để rút khỏi Việt Nam, mới khởi động lại dự án vào cuối năm 2017. Trong khi đó, Dự án JA Solar đang tạm dừng triển khai do những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, một khi thị trường trở nên khó khăn hơn, thì việc thực hiện các dự án First Solar và JS Solar cũng sẽ bấp bênh hơn.
Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư, ngày hôm qua (30/1), First Solar đã chính thức tiếp nhận thiết bị phủ (Coater) Series 6. Sự kiện này được cho là sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng đối với kế hoạch đầu tư của First Solar tại thị trường Việt Nam.
Theo kế hoạch, nhà máy Việt Nam 1 của First Solar sẽ chính thức hoạt động vào quý IV/2018, với công suất 1,2 GW/năm. Sau đó, nhà máy Việt Nam 2 sẽ được xây dựng, để cho ra sản phẩm vào giữa năm 2019.
Theo First Solar, việc Tổng thống Trump đánh thuế cao đối với pin năng lượng mặt trời không ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư này tại Việt Nam. Lý do là vì công nghệ sản xuất của First Solar là công nghệ màng mỏng, trong khi Mỹ nhắm tới các nhà sản xuất sử dụng công nghệ đa tinh thể. Công nghệ này hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang sử dụng.
Nguồn: Nguyên Đức/Đầu tư

Nguồn:Vinanet