menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

13:52 11/10/2019

Vinanet - Tín hiệu trái chiều về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Lo ngại rủi ro đối với nên kinh tế Mỹ của Fed. Mỹ và Nhật Bản ký thỏa thuận thương mại hẹp về nông sản và sản phẩm kỹ thuật số… là những thông tin kinh tế thế giới đáng chú tuần qua.
Fed thông báo nới lỏng quy định về vốn và thanh khoản với các ngân hàng
Với việc giảm bớt gánh nặng và giải phóng nguồn quỹ cho các đơn vị như U.S. Bancorp, Capital One và PNC Financial, gói quy định mới đánh dấu một thắng lợi khác cho ngành ngân hàng, sau khi Fed nới lỏng quy định về giao dịch phái sinh và các “bài kiểm tra sức khỏe” hàng năm đối với các ngân hàng.
Fed lo ngại về những rủi ro đối với kinh tế Mỹ
Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 9/10 cho thấy, các quan chức đã lo ngại hơn về triển vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới này, khi những diễn biến đáng ngại đã len lỏi vào bức tranh tích cực về đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế cũng như hoạt động kiến tạo việc làm.
Hầu hết các quan chức Fed đều nhất trí rằng hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, thị trường việc làm ổn định và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục.
Trung Quốc không kỳ vọng về đàm phán thương mại với Mỹ
Bất ngờ và thất vọng trước việc Mỹ liệt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen, Bắc Kinh đã hạ thấp kỳ vọng về khả năng đạt tiến triển đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tuần này, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/10 bày tỏ sự lạc quan.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Hai bên đưa ra những tín hiệu trái chiều
Ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước này và Trung Quốc có "cơ hội rất tốt" để đạt thỏa thuận thương mại nhằm hóa giải những tranh cãi đã kéo dài suốt hơn một năm qua, gây ra những tác động không nhỏ tới thị trường toàn cầu.
Phát biểu với báo giới một ngày trước khi các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa hai bên được nối lại tại Washington, Tổng thống Trump khẳng định hai bên sẽ ký kết thỏa thuận nếu có thể và hiện đang có cơ hội rất tốt để tiến tới mục tiêu này.
Mỹ vẫn chưa thanh toán khoản nợ 1 tỷ USD cho Liên hợp quốc
Theo số liệu từ Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện còn nợ LHQ 1 tỷ USD, bao gồm 381 triệu USD tiền nợ cũ và 674 triệu USD nợ trong năm nay.
Tính đến nay, có 129 trong tổng số 193 nước đã trả các khoản nợ thường niên cho LHQ, kể cả gần đây nhất là Syria, đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, cũng đã trả nợ.
Báo Anh: Trung Quốc đề xuất mua thêm nông sản của Mỹ
Tờ Financial Times (Anh) ngày 9/10 đưa tin giới chức Trung Quốc đang đề xuất tăng lượng nhập khẩu nông sản của Mỹ hằng năm thêm 10 tỷ USD trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại kéo dài hơn một năm qua.
Cùng ngày, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc vẫn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, bất chấp việc Washington mới đây liệt các công ty công nghệ của Trung Quốc vào "danh sách đen" trừng phạt.
Anh chờ đón cơ hội được tự chủ về chính sách thương mại
Anh đang mong chờ nắm lại quyền kiểm soát chính sách thương mại của mình sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng này.
Quan chức thương mại hàng đầu của Anh nhấn mạnh việc Anh rời EU (còn gọi là Brexit) sẽ mang lại lợi ích cho nước này nói riêng và hệ thống thương mại quốc tế nói chung.
Trung Quốc đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt các công ty công nghệ
Ngày 9/10, Bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ "kiên quyết bảo vệ" các lợi ích của Bắc Kinh.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích những hạn chế áp đặt đối với hoạt động bán công nghệ của Mỹ cho một nhóm công ty Trung Quốc là sự can thiệp vào công việc nội bộ.
Chủ tịch FED nhận định kinh tế Mỹ sẽ duy trì tăng trưởng
Kinh tế Mỹ sẽ duy trì đà tăng trưởng hiện có nhờ yếu tố tích cực như thị trường việc làm khởi sắc và tỷ lệ lạm phát đang tiến lại mục tiêu đề ra.
Đầu tháng 10, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8 giảm còn 3,5%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Cụ thể, số người có việc làm tăng gần 40.000 lên 168.000 việc làm. Đây là thông tích tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Kinh tế Nga rơi vào bế tắc
Báo Độc lập (Nga) cho biết năm 2019 sẽ là năm tăng trưởng tồi tệ nhất trong 3 năm qua của nền kinh tế Nga. Theo ước tính của các chuyên gia, kinh tế Nga khó có thể tăng trưởng hơn 1% trong năm 2019. Kết luận này được rút ra từ các kết quả kinh tế rất khiêm tốn trong quý II/2019, do cơ quan thống kê LB Nga (Rosstat) công bố mới đây.
Mỹ và Nhật Bản ký thỏa thuận thương mại hẹp về nông sản và sản phẩm kỹ thuật số
Ngày 7/10, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Shinsuke Sugiyama và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã ký kết thỏa thuận thương mại hẹp giữa hai nước về nông sản và các sản phẩm kỹ thuật số tại Nhà Trắng.
Theo một thỏa thuận, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mỳ, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn. Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thịt bò của nước này, cho phép Nhật Bản cạnh tranh để có được thị phần lớn hơn tại thị trường Mỹ.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự đoán
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn dự đoán trong tháng 9/2019, bất chấp việc đồng nhân dân tệ (CNY) phục hồi từ mức giảm mạnh nhất trong 25 năm trong tháng 8/2019, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà giảm tốc và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chiến tranh thương mại sẽ không ảnh hưởng đến RCEP
Tại Hội nghị bàn tròn Tầm nhìn ASEAN 2040 - Hướng tới Cộng đồng ASEAN quyết đoán và mạnh mẽ hơn, ngày 6/10, Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Paduka Lim Jock Hoi bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn thành về mặt nguyên tắc trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội của Thái Lan kết thúc.
Nền kinh tế Internet Đông Nam Á sẽ chạm ngưỡng 100 tỷ USD trong 2019
Nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á dự báo chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2019, tăng 39% so với năm 2018.
Hai nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực là Indonesia và Việt Nam - tăng trên 40% mỗi năm.
Nguồn: VITIC