menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019

14:37 02/05/2019

Vinanet -Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 3.116,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước.
Các địa phương phía Bắc cơ bản hoàn thành gieo trồng lúa đông xuân với diện tích đạt 1.112,6 nghìn ha, bằng 98,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 515,1 nghìn ha, bằng 98% (giảm 10,5 nghìn ha) do một số địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện nay, lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong thời kỳ đứng cái và làm đòng. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới nhiệt độ tăng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp, nhất là bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, rầy các loại..., ngành nông nghiệp cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
Tại các địa phương phía Nam, gieo trồng lúa đông xuân đạt 2.004 nghìn ha, bằng 101,5% cùng kỳ năm 2018, trong đó diện tích tăng chủ yếu ở Cà Mau với 37,9 nghìn ha do chuyển đổi mùa vụ từ lúa mùa sang lúa đông xuân.
Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.648,7 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 82,3% diện tích xuống giống và bằng 107,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.526,2 nghìn ha, chiếm 95,1% và bằng 108%. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài trên diện rộng gây ảnh hưởng tới năng suất lúa, làm giảm sản lượng lúa đông xuân toàn vùng so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước tính đạt 67,5 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, giảm 5,5 nghìn tấn.
Trên những diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch, các địa phương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để xuống giống vụ hè thu. Tính đến ngày 15/4, các địa phương phía Nam gieo sạ được 497,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 112,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 484,9 nghìn ha, bằng 111,6%, tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay nhanh hơn cùng kỳ do vụ đông xuân được gieo trồng và thu hoạch sớm. Hiện nay, lúa hè thu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, dự báo vụ hè thu năm nay gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên trong các tháng mùa khô nên ngành nông nghiệp cần quản lý chặt lịch thời vụ xuống giống, khuyến cáo các địa phương áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất, đồng thời bảo đảm nguồn nước tưới cho lúa.
Tính đến giữa tháng 4/2019, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 404,8 nghìn ha ngô, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước; 67,5 nghìn ha khoai lang, bằng 95,7%; 134,2 nghìn ha lạc, bằng 97,2%; 16,6 nghìn ha đậu tương, bằng 107,8% và 590,4 nghìn ha rau đậu, bằng 105,7%. Nhìn chung, các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, sinh trưởng và phát triển tốt.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn, mặc dù vừa qua một số địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi nhưng do dịch bệnh lan rộng đã gây ảnh hưởng đến phát triển đàn và kết quả chăn nuôi. Ước tính tháng Tư, đàn lợn cả nước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu giảm 2,9%; đàn bò tăng 3,1%; đàn gia cầm tăng 6,8%.
Đối với lâm nghiệp, cũng theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, tháng 4/2019, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 27,1 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,8 triệu cây, giảm 12,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.228 nghìn m3, tăng 4,1%; sản lượng củi khai thác đạt 1,4 triệu ste, giảm 2,2%.
Một số tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao như: Quảng Trị ước tính đạt 166,2 nghìn m3, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; Quảng Ngãi đạt 138 nghìn m3, tăng 6,2%; Nghệ An đạt 128,4 nghìn m3, tăng 12,3%. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 59 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,5 triệu cây, giảm 3,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.942 nghìn m3, tăng4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 5,3 triệu ste, giảm 1,7%.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Trong tháng Tư, cả nước có 90,8 ha rừng bị thiệt hại, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 30,8 ha, giảm 67,2%; diện tích rừng bị chặt phá là 60 ha, giảm 13,6%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 200 ha, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 59,8 ha, giảm 62,7%; diện tích rừng bị chặt phá là 140,2 ha, giảm 30,4%.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Tổng cục thống kê

Nguồn:Vinanet