menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc hạ lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm nay

15:19 20/04/2020

Vinanet - Lãi suất cơ bản cho vay thời hạn 1 năm giảm từ 4,05% xuống 3,85%, thời hạn 5 năm từ 4,75% xuống 4,65%, báo hiệu Trung Quốc có thể đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Trung tương Trung Quốc (PBoC) ngày 20/4/2020 thông báo hạ lãi suất cơ bản (LPR) đối với tiền cho vay nhằm giảm chi phí vay của các công ty, từ đó kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. LPR đóng vai trò quan trọng đối với việc tính toán các mức lãi suất cho các khoản vay. Đây là lần cắt giảm lãi suất cơ bản thứ 2 kể từ đầu năm tới nay của quốc gia này.
Cụ thể, lãi suất cơ bản đối với tiền vay thời hạn 1 năm giảm 20 điểm phần trăm, từ 4,05% xuống còn 3,85%; thời hạn 5 năm giảm 10 điểm phần trăm, từ 4,75% xuống còn 4,65%.
Kết quả khảo sát của Reuters ở 52 chuyên gia và tổ chức quốc tế cho thấy, phần lớn người được hỏi đều cho rằng, lãi suất cơ bản 1 năm sẽ giảm 20 điểm phần trăm, và thời hạn 5 năm là từ 5 đến 10 điểm phần trăm.
Lãi suất thời hạn xa (5 năm) được giảm ít hơn so với thời hạn gần cho thấy Chính phủ Trung Quốc vẫn thận trọng ngăn ngừa thị trường nhà đất nóng lên (người vay thời hạn dài chủ yếu để mua bất động sản). Lãi suất thời hạn xa giảm ít sẽ không làm thúc đẩy nhu cầu nội địa ngay cả trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Động thái cắt giảm LPR cũng phù hợp với dự báo của các chuyên gia đưa ra sau khi PBOC tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) đối với các tổ chức tài chính vào ngày 15/4. Mức lãi suất MLF đối với các tổ chức tài chính tại Trung Quốc hiện chỉ còn 2,59% - mức thấp kỷ lục kể từ khi mức lãi suất này được áp dụng tại Trung Quốc vào tháng 9/2014.
Một số chuyên gia nhận định, việc PBoC tiếp tục giảm lãi suất cho vay cơ bản là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng nhìn nhận việc nới lỏng chính sách tiền tệ là điều cần thiết trong bối cảnh các điều kiện tại thị trường lao động nước này vẫn còn yếu kết hợp với nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ từ Trung Quốc của các quốc gia khác sụt giảm khi hầu hết các nước ngoài lãnh thổ Trung Quốc đang vật lộn với đại dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia dự báo PBoC sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế tại Trung Quốc.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong quý 1/2020 đã giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Mức sụt giảm này cao hơn mức dự báo giảm 6,5% được giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận sự sụt giảm GDP trong quý 1 kể từ năm 1992 – thời điểm Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu GDP chính thức hàng quý. Trong năm 2019, tăng trưởng GDP của nước này đạt 6,1% - mức thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây trước các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nguồn:VITIC/Reuters