menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu xăng dầu: Phải hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp

09:00 17/05/2020

Vinanet - Ngày 15/5/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giải đáp thắc mắc của Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về một số vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan tới nhập khẩu xăng dầu.
Ngày 15/5/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giải đáp thắc mắc của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về một số vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan tới nhập khẩu xăng dầu.
Trả lời câu hỏi: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến ngành dầu khí, dặc biệt do xăng dầu dư cung nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã kiến nghị hạn chế nhập khẩu xăng dầu để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp xăng dầu trong nước. Xin Bộ Công Thương có ý kiến về vấn đề này?”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cần phải cân nhắc thật kĩ lưỡng vì điều đó vi phạm vào cam kết FTA giữa Việt Nam với các nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vấn đề Phóng viên hỏi là đề xuất của PVN, liên quan đến 2 nhà máy Lọc hóa dầu Nghi sơn và Bình Sơn. Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với vốn nước ngoài 75%, PVN – đại diện cho Việt Nam chỉ chiếm 25%, còn Bình Sơn là nhà máy 100%. Trong thời gian qua, PVN gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới sụt giảm theo chiều thẳng đứng, trong vòng 3 tháng giảm 65%. Theo đó, nguồn thu của PVN bị ảnh hưởng kéo theo ảnh hưởng đến nguồn thu quốc gia.
Bản thân các DN nhập khẩu trực tiếp xăng dầu cũng kinh doanh rất khó khăn. Ngoài ra đối với đề xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã có nghiên cứu, bàn bạc rất kĩ trong các đơn vị của Bộ Công Thương, các DN kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp trực tiếp dùng xăng dầu là đầu vào trong sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương rất chia sẻ với khó khăn với tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó có Tập đoàn Dầu khí quốc gia, 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Đó không phải 2 nhà máy xuất khẩu dầu thô mà dùng dầu thô để chế biến các sản phẩm xăng dầu thành phẩm để bán hoặc xuất khẩu.
Việt Nam có 33 đầu mối để nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam thực hiện theo Nghị định 83 của Chính phủ, có nghĩa họ đáp ứng qui định, yêu cầu của Nghị định 83 sẽ được phép là đầu mối trực tiếp XNK xăng dầu. Hiện các DN này đang nhập khẩu xăng dầu bán tại Việt Nam. Tuy nhiên trong trong 3 tháng vừa qua họ cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong nước, giá xăng đầu đã điều chỉnh giảm 8 lần liên tiếp, gần đây nhất lần điều chỉnh thứ 9 mới tăng ở mức độ vừa phải. Trong đó, xăng E5 chỉ tăng 578 đồng/lít, RON95 chỉ tăng 604 đồng/lít.
Theo Thứ trưởng, nếu chúng ta cấm hoặc hạn chế nhập khẩu xăng dầu, tức là trong 33 DN chỉ có 1, 2 DN được phép nhập khẩu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả xăng dầu thành phẩm, quyền lợi người dân và các DN trong nước dùng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nếu cấm nhập khẩu xăng dầu có nghĩa là cấm các nước khác xuất khẩu xăng dầu vào Việt Nam, điều này sẽ vi phạm các quy tắc trong các hiệp định FTA và cam kết với các nước. "Vậy liệu các nước liên quan có sử dụng biện pháp tương tự với các mặt hàng khác của chúng ta đang xuất khẩu sang các nước hay không?", Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã trao đổi trực tiếp với Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng như báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Quan trọng nhất là cần hài hòa lợi ích của nhiều nhóm, đối tượng liên quan. Thứ nhất là quyền lợi của người dân, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước làm đầu vào. Thứ hai, các DN kinh doanh xăng dầu bao gồm cả doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong đó bao gồm hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn. Thứ 3 là lợi ích của nhà nước, quan trọng nhất là đảm bảo an ninh năng lượng mà cụ thể là đủ xăng dầu để cung cấp cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
 

Nguồn:VITIC