menu search
Đóng menu
Đóng

Diễn biến thị trường hạt tiêu tuần cuối tháng 10/2019

14:20 29/10/2019

Vinanet - Giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong tuần cuối tháng 10/2019 không thay đổi nhiều so với giá tuần trước đó. Phiên đầu tuần, Gia Lai mất 1.000 đồng xuống bằng mức giá tại Đồng Nai ở 39.000 đồng/kg rồi tiếp tục đi ngang. Đây là mức giá thấp nhất tính tới thời điểm này. Giá cao nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu chưa vượt qua được mức 42.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu khi chiếm trên 40% sản lượng và trên 60% thị phần hạt tiêu thế giới.
Việt Nam đang xuất khẩu tiêu đến 105 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Mỹ tiêu thụ số lượng lớn với khoảng gần 27 nghìn tấn. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đạt con số kỷ lục 1,4 tỷ USD và nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu khoảng 463 triệu USD.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT năm 2014 của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích hạt tiêu cả nước khoảng 50.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích tiêu đã tăng lên 140.000 ha. Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành sản xuất hạt tiêu của Việt Nam chưa bền vững do diện tích tăng nhanh, đặc biệt là tăng nóng ở những vùng không phù hợp. Vì vậy, ngành hạt tiêu Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng sản xuất và tập trung vào chế biến sâu để nâng giá trị cho nông sản.
Cũng theo ông Đức, hiện nay, thị trường Mỹ và các nước EU kiểm soát chặt về dư lượng hóa chất trên hạt tiêu nên việc xuất khẩu nông sản này gặp nhiều thử thách.
Về cơ bản, ngành hạt tiêu Việt Nam đang sản xuất chạy theo năng suất mà bỏ qua chất lượng và an toàn thực phẩm nên không đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Công nghệ chế biến chủ yếu chế biến thô, ít cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại nên giá trị không cao.
Bà Hoàng Thị Liên, đại diện Hiệp hội Hạt tiêu thế giới, nói rằng Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản xuất hạt tiêu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều quốc gia khác đang “trỗi dậy” nên thị phần về nhóm hàng này của chúng ta ở thị trường thế giới đang giảm dần. Việt Nam cần có sự phát triển phù hợp, người nông dân cần sản xuất theo các tiêu chí sạch để chinh phục những thị trường khó tính như EU và các quốc gia khác. Việt Nam cần hướng đến chế biến sâu để nâng giá trị hạt tiêu và Chính phủ cần có sự can thiệp nhất định để hỗ trợ ngành này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh ngành hạt tiêu là ngành quan trọng của Việt Nam và có nhiều lợi thế. Với năng suất đứng số 1 thế giới, sức cạnh tranh vẫn còn rất lớn. Thời điểm này, có một số khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng cuộc sống người dân, nhiều gia đình không còn vốn để đầu tư. Dịch bệnh và các rủi ro khác đều là hệ lụy của việc tăng nóng diện tích. Bộ đề nghị các địa phương cố gắng ổn định diện tích để cả nước có khoảng 100.000 ha. Đối với những diện tích cây bị bệnh, chết, kém hiệu quả thì không trồng lại và chuyển qua cây trồng khác.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Giá bán hạt tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt (nếu cùng chủng loại), do đó, để nâng cao giá bán cho hạt tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch.
Ngành hạt tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
Nguồn: VITIC