menu search
Đóng menu
Đóng

Lúa gạo Châu Á: Giá tại Ấn Độ tăng do nhu cầu từ Châu Phi

15:33 12/02/2019

Vinanet -Trong tuần kết thúc vào ngày 8/2/2019, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng do nhu cầu từ khách hàng châu Phi, trong khi đồng baht Thái mạnh lên làm giảm nhu cầu đối với gạo của nước này, trong bối cảnh hầu hết các trung tâm giao dịch ở Châu Á nghỉ Tết cổ truyền.
Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng lên 383 – 388 USD/tấn, từ mức 381 – 386 USD/tấn một tuần trước đó.
Tuy nhiên, ngay đối với gạo Ấn Độ, nhiều khách hàng vẫn trì hoãn mua với hy vọng giá sẽ giảm xuống.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4-12/2018 giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 8,46 triệu tấn.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, loại 5% tấm giá hiện khoảng 392 – 402 USD/tấn, FOB Bangkok, không thay đổi so với cách đây một tuần.
Đồng baht tăng giá so với USD khiến cho giá gạo xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh của gạo Thái so với các xuất xứ khác như Ấn Độ hay Việt Nam.
Các thương gia Thái Lan hy vọng nguồn cung từ vụ mới – có trong tháng này – sẽ giúp giá giảm xuống.
Đồng baht Thái năm nay tăng giá mạnh nhất trong số các đồng tiền châu Á, khiến cho giá quy đổi ra USD trở nên đắt hơn.
“Khách hàng Indonesia vẫn chưa có động tĩnh gì, trong khi Philippines có thể sẽ tham gia mua gạo Thái Lan”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa khách hàng nào hỏi mua.
Giao dịch ở Thái Lan trầm lắng vì Tết cổ truyền. Thị trường Việt Nam cũng nghỉ Tết.
Gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần kết thúc vào ngày 1/2/2019 giá khoảng 350 USD/tấn.
Tại Philippines, dự trữ gạo đã tăng 11,4% trong vòng một năm, đến thời điểm tháng 1/2019 đạt 2,55 triệu tấn, so với 2,89 triệu tấn một năm trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 6,23% so với 2,72 triệu tấn của tháng 12/2018.
Trong tổng số gạo dự trữ đó, 48,91% là của các hộ gia đình, 47,25% là của các doanh nghiệp, và 3,48% của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA).
Sản lượng gạo Philippines trong năm 2018 giảm 1,1% xuống 19,07 triệu tấn, so với 19,28 triệu tấn của năm trước đó. Riêng trong quý 4/2018, sản lượng lúa giảm xuống 7,16 triệu tấn, từ mức 7,32 triệu tấn cùng quý năm trước.
Nhập khẩu vào Bangladesh trong giai đoạn tháng 7/2018 – 1/2019 chậm lại do áp dụng thuế nhập khẩu từ tháng 6/2018. Trong tài khóa 2017/18 (kết thúc vào tháng 6/2018), Bangladesh đã nhập khẩu kỷ lục 3,9 triệu tấn gạo.
Theo dữ liệu từ chính phủ Bangladesh, sản lượng gạo năm 2018 đạt kỷ lục 36,2 triệu tấn, vượt nhu cầu nội địa (29,1 triệu tấn). 7 triệu tấn là mức thặng dư lớn nhất chưa từng thấy.
Ông Md Saharan Kabir, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Gạo Bangladesh (IRRI), cho biết các nhà nghiên cứu đã phát minh ra 94 giống lúa mới. Hạt giống mới được cung cấp cho người nông dân để gia tăng năng suất. BRRI đã phân phối 120 tấn hạt giống cho người nông dân trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất gạo nước này vẫn có xu hướng giảm. Theo IRRI, tăng trưởng sản xuất gạo của Bangladesh đã chậm lại, chỉ còn 0,4% kể từ năm 2010, khiến việc đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng trong bối cảnh đất trồng trọt liên tục giảm trở nên khó khăn hơn. Trước năm 2010, sản lượng gạo của Bangladesh tăng hơn 2% mỗi năm, ông Humnath Bhandari. Mỗi năm, dân số Bangladesh, hiện đang ở mức trên 160 triệu người, tăng khoảng 2 triệu người. Bangladesh hiện có 13 triệu nông dân sản xuất hơn 35 triệu tấn gạo mỗi năm. Trong năm 2014 - 2015, năng suất mỗi ha là 3,04 tấn, con số này đã tăng lên để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, các chuyên gia cho biết. Đến năm 2050, nhu cầu gạo hàng năm của Bangladesh sẽ đạt khoảng 44,6 triệu tấn. Vì vậy, ông Bhandari nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành nghiên cứu thêm về lúa gạo và phát triển các giống mới để đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Nguồn:Vinanet