menu search
Đóng menu
Đóng

Những thông tin nổi bật thị trường hàng hóa trong nước tuần qua

13:44 11/03/2019

Vinanet -  Thông tin về dịch tả lợn châu Phi – là tâm điểm chính thị trường hàng hóa trong nước tuần qua.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng,Thanh Hóa, Hà Nội,Hà Nam, Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu huỷ ngay lập tức. Cục Thú y đã giải trình gen của vi rút dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng vi rút dịch tả lợn châu phi gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.
Trước bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị, Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu huỷ; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi, kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với người tiêu dùng, cần hiểu đúng về dịch bệnh tả châu Phi, không nên lo sợ tẩy chay thịt lợn.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus…
Virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn. Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người.
Virus này chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Tuy nhiên, bệnh không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Ông Trần Đắc Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi lợn.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi ở miền Bắc những ngày vừa qua đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 8/3, giá lợn hơi miền Bắc dao động trong khoảng 39.000 – 44.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên giảm 2.000 đồng xuống 42.000 – 49.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Nam tiếp tục giảm sâu xuống 47.000 – 53.000 đồng/kg.
Trước đó, trong tháng 2, giá lợn hơi trong nước cũng diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch ASF, giá lợn hơi giảm tại một số địa phương, cụ thể tại Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc giảm 1.000 đồng xuống 47.000 – 48.000 đồng/kg; Tuyên Quang giảm 2.000 đồng xuống 46.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại khu vực miền Nam tăng 2.000 đồng/kg do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung giảm nhẹ, dao động trong khoảng 50.000 – 57.000 đồng/ kg. Giá lợn hơi tại miền Trung tương đối ổn định, dao động trong khoảng 44.000 –52.000 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, do dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi. Hiện, Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ NN&PNTT, các nhà khoa học đã chứng minh dịch tả lợn châu Phi không lây sang động vật nuôi khác. Do đó, người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ TT&TT đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet