menu search
Đóng menu
Đóng

TT gạo nguyên liệu trước và sau Tết Nguyên Đán

13:51 11/02/2019

Vinanet - Trước Tết Nguyên Đán giá gạo nguyên liệu tăng nhẹ, dự báo sau Tết giá giảm nhẹ do tồn kho tại các Tổng công ty, doanh nghiệp và người dân còn khá nhiều nên giá gạo, thóc nguyên liệu nội địa ổn định hoặc giảm nhẹ.
Nhìn chung, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi giá gạo tẻ thường ổn định, đối với gạo tẻ cao cấp, giá tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg, tùy loại và địa phương.
Loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Sén Cù Lào Cai, nếp cái hoa vàng... tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg tương đương 5 - 7% so với tháng 12/2018.
Giá gạo các loại trong dịp Tết Nguyên đán:
ĐVT: Đồng/kg

 

Miền Bắc

Miền Nam

Gạo tẻ thường

13.000 – 13.600

9.950 – 11.900

Gạo tẻ chất lượng cao

18.000 – 27.000

16.000 – 25.000

Gạo nếp

28.000 – 35.000

23.000 – 32.000

Nguồn: Bộ Công Thương
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018 mặc dù diện tích gieo trồng lúa tiếp tục giảm khoảng 140.000 ha so với năm 2017 nhưng sản lượng ước đạt khoảng 44,1 triệu tấn, tăng 1,4 triệu tấn.
Báo cáo từ các Sở Công Thương địa phương, từ cuối tháng 11/2018, doanh nghiệp và tiểu thương đã chủ động chuẩn bị nguồn cung gạo phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Tuy nhiên, sức mua chỉ thực sự tăng từ sau ngày 23 tháng Chạp (tức là ngày 28 tháng 1 dương lịch). Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung năm nay tương đối dồi dào, người dân tiếp tục xu hướng chuyển sang dùng gạo chất lượng cao như Séng Cù, Tám thơm, Nàng thơm chợ Đào, Bắc Hương...
Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp.
Nhằm ổn định giá cả mặt hàng gạo, một số địa phương như Cao Bằng, Sóc Trăng, Đồng Nai… đã có kế hoạch đưa mặt hàng gạo thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường với giá bán ổn định và thấp hơn giá thị trường khoảng 5 - 10% so với giá thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn cung gạo cho thị trường trong dịp Tết còn được bổ sung từ việc thu hoạch sớm vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam nên nguồn cung gạo các loại tương đối dồi dào, thị trường không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Năm nay, một số công ty kinh doanh mặt hàng gạo đã triển khai đưa một số loại gạo tẻ cao cấp như jasmine organic ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng. Mặc dù giá bán tương đối cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng số lượng tiêu thụ khá tốt và phù hợp với thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng.
Dự báo những ngày sau Tết Nguyên đán, do tồn kho tại các Tổng công ty, doanh nghiệp và người dân còn khá nhiều nên giá gạo, thóc nguyên liệu nội địa ổn định hoặc giảm nhẹ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương đã tiến hành xuống giống vụ Đông Xuân. Giá thóc, gạo nguyên liệu có xu hướng ổn định do nhu cầu thu mua xuất khẩu chậm.
Cũng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả tiếp tục được chuyển sang mục đích khác, tuy nhiên, lượng giảm này hầu như không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu mặt hàng này tại thị trường nội địa.
Dự báo những ngày sau Tết Nguyên đán, do tồn kho tại các Tổng công ty, doanh nghiệp và người dân còn khá nhiều nên giá thóc, gạo nguyên liệu nội địa ổn định hoặc giảm nhẹ. Giá các loại gạo nguyên liệu tại khu vực phía Nam có thể tăng nhẹ do thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trong năm. Các loại gạo nếp và gạo tẻ chất lượng cao ổn định.
Tình hình sản xuất nông nghiệp
83% diện tích gieo cấy các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có đủ nước đổ ải
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện từ ngày 28/01/2019, trước thời gian lấy nước chính thức 3 ngày. Mặc dù các nhà máy thủy điện đã vận hành hết công suất phát điện, nhưng mực nước hạ du sông Hồng ở Hà Nội chưa dâng đạt mức thấp nhất 2,2m như yêu cầu. Nguyên nhân do lòng dẫn sông Hồng tiếp tục bị xói sâu, dẫn đến mực nước sông bị hạ thấp. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 2 là 1,5 tỷ m3 nước.
Diện tích có nước tính đến kết thúc đợt 2 là 459.105 ha, đạt 83,06% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó, tỷ lệ diện tích đủ nước của từng địa phương như sau: Hà Nam 99,6%, Nam Định 97,13%, Ninh Bình 96,59%, Thái Bình 94,19%, Phú Thọ 92,35%, Hưng Yên 90,9%, Hải Phòng 87,29%, Hải Dương 79,38%, Vĩnh Phúc 64,71%, Bắc Ninh 64,22% và Hà Nội 59,5%.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đợt 3 lấy nước tổng cộng 8 ngày, từ ngày 15/02-22/02/2019. Tuy nhiên, tùy theo thực tế tình hình nguồn nước và tiến độ lấy nước, sẽ xem xét ngắn thời gian lấy nước đợt 3 để tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện.
Các địa phương có nhu cầu lấy nước cao trong đợt 3 gồm thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh (tỉnh Vĩnh Phúc có các trạm bơm mới xây dựng chủ động lấy nước). Để đảm bảo đủ nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện việc bừa vỡ mặt ruộng để tăng độ keo đất, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh cần huy động mọi phương tiện lấy nước để tiếp tục tận dụng nguồn nước từ các hồ chứa nước thủy điện; tiếp tục vận hành phương tiện để tăng cường lấy nước trong thời gian trước đợt 3 khi điều kiện nguồn nước và các ngày đầu của đợt 3 để đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
Rà soát các diện tích gieo cấy khó cấp nước, khả năng bị thiếu nước để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc tăng cường lắp đặt các trạm bơm dã chiến, có giải pháp điều tiết bổ sung nguồn nước từ các hệ thống thủy lợi lân cận để bảo đảm cấp đủ nước phục vụ gieo cấy.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm dâng mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên +2,2m theo đúng kế hoạch trong đợt 3, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.
Hải Dương lấy nước đổ ải trên 82% diện tích
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương), đến ngày 6/2, tiến độ lấy nước đổ ải của Hải Dương đạt 47.510ha/57.800ha (đạt 82,2%); trong đó, diện tích nước tự chảy là 7.398ha/10.000ha, đạt khoảng 75% kế hoạch; Khu vực Bắc Hưng Hải diện tích lấy nước được 34.174ha/35.850ha, đạt 95,3% kế hoạch.
Một số huyện như Ninh Giang, Thanh Miện đã lấy đủ nước đổ ải. Một số huyện lấy nước đạt trên 90% là Bình Giang (94,6%), Tứ Kỳ (96,1%), Gia Lộc (96,7%). Riêng huyện Kinh Môn mới lấy nước đổ ải đạt 24% là do đặc thù người dân trồng cây vụ Đông (hành, tỏi) thu hoạch muộn nên diện tích lấy nước đổ ải chậm và sẽ nỗ lực lấy xong sau khi thu hoạch xong.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ Đông Xuân năm nay, địa phương đặt mục tiêu gieo cấy khoảng 57.800ha lúa, năng suất đạt 65 tạ/ha và gieo trồng 9.500ha rau màu. Các địa phương cần đảm bảo lấy nước hiệu quả, sử dụng tiết kiệm để có một vụ mùa bội thu.
Để việc lấy nước kịp thời, đảm bảo, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã triển khai nạo vét dòng chảy, sửa chữa và nâng cấp các tổ máy bơm, điều tiết, tích trữ nước tối đa trong hệ thống sông trục nội đồng … để phục vụ cấp nước. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cũng đảm bảo cung cấp điện đầy đủ để các trạm bơm có thể hoạt động liên tục, đưa nước kịp thời phục vụ sản xuất.

Nguồn: VITIC tổng hợp/Vietna,biz, TTXVN, Agromonitor

Nguồn:Vinanet