menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu thủy sản vẫn kỳ vọng đạt mục tiêu 8,6 tỷ USD

09:09 01/07/2020

Vinanet - Với những tín hiệu khả qua mới từ nhu cầu thị trường cùng cơ hội mở ra sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào 1/8 tới, ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 8,6 tỷ USD trong năm nay.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 3 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chia sẻ tại tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” ngày 26/6, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: Dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm song với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, kết quả này rất đáng ghi nhận. Thậm chí, ngành thủy sản vẫn tự tin có thể đạt kim ngạch đã đề ra là 8,6 tỷ USD trong năm 2020.
Chuỗi nuôi trồng thủy sản cần được kiểm soát có hệ thống chặt chẽ hơn để nâng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu, tạo cạnh tranh trên thị trường
Theo ông Hòe, con số 8,6 tỷ USD này hoàn toàn có cơ sở bởi tốc độ xuất khẩu tôm trong 5 tháng đầu năm nay rất khả quan, cho phép lĩnh vực tôm đánh giá có thể đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD; ngành hải sản dù vẫn đang vướng thẻ vàng IUU nhưng với nhu cầu của thị trường lớn nên vẫn có thể đạt hơn 3 tỷ USD; riêng cá tra có sự sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm nay nên dự kiến đạt 1,6 tỷ USD. Thêm vào đó, Hiệp định EVFTA mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây cũng là thuận lợi lớn cho ngành thủy sản xuất khẩu hoàn thành những mục tiêu đưa ra.
Tuy nhiên, để đạt được thì ngành thủy sản phải nhanh chóng gỡ 4 nút thắt về chuỗi cung ứng vật tư - giống cho nuôi trồng; phát triển thị trường; hậu cần phục vụ xuất khẩu và cải thiện các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, với chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp thủy sản Việt hiện gặp thách thức về giá thành sản phẩm còn cao, chưa cạnh tranh. Trong khi đó đại dịch xảy ra nổi lên vấn đề chính là hoạt động của nhà hàng, khách sạn bị ngưng trệ, việc thực hiện giãn cách xã hội, các sản phẩm phục vụ nhà hàng, khách sạn, tiêu dùng… không bán được. Từ đó các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển hướng hoạt động nhập khẩu phục vụ cho bán lẻ và bữa ăn gia đình - hay nói cách khác là sự dịch chuyển giá trị gia tăng từ các sản phẩm có giá trị cao về các sản phẩm có giá trị truyền thống, sản phẩm có mức độ giá trị trung bình. Chính vì thế, sản phẩm thủy sản Việt cần phải kéo giảm giá thành phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng.
“Để kéo giảm giá thành cạnh tranh hơn, tôi cho rằng cần kiểm soát toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng vật tư, con giống cho nuôi trồng nhằm đảm bảo con giống tốt, không bị dịch bệnh… từ đó không bị hao hụt trong quá trình nuôi trồng và cho sản phẩm đồng đều, chất lượng hơn”, ông Hòe cho biết.
Thứ hai, với phát triển thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cần đảm bảo chất lượng, giá bán để vượt được những rào cản phi thuế quan, rào cản chống bán phá giá từ các nước.
Với hậu cần phục vụ sản xuất, dù có cải thiện hơn so với trước nhưng qua đại dịch Covid-19, thấy rõ một điểm yếu của thủy sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hóa và nguyên liệu. Tuy nhiên các cơ chế - chính sách hiện có cho nhu cầu đầu tư kho bảo quản thủ tục còn phức tạp và kể cả phê duyệt thì lãi suất ưu đãi sau đó cũng chỉ thấp hơn lãi suất vay trung hạn thương mại một chút, không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này… Do đó, VASEP đề nghị có cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho lạnh trữ hàng (lãi suát 0% 2 năm đầu; giảm 50% lãi suất cho 4 năm tiếp theo..).
Cuối cùng, về môi trường kinh doanh và các dịch vụ công trực tuyến, theo các doanh nghiệp thủy sản, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhà nước ngành thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế TNDN 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế TNDN là 15% theo khoản 5 Điều 11 và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. Vì thế, doanh nghiệp đề nghị xây dựng và xác lập rõ ràng và chuẩn xác khái niệm hàng “chế biến” đối với sản phẩm thuỷ sản thay vì bị áp đặt là sơ chế khi tính thuế TNDN đối với đa số hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện nay…

Nguồn:congthuong.vn

Link gốc