menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đường tăng sẽ kéo dài trong bao lâu?

07:23 18/06/2020

Vinanet - Giá đường thế giới hồi phục mạnh kể từ cuối tháng 4/2020 đến nay sau 3 tháng lao dốc trước đó.
Có 3 lý do chính lý giải cho điều này. Đó là: Giá dầu thô hồi phục mạnh (đường thường biến động cùng chiều vì khi giá dầu tăng, các nhà chế biến mía sẽ tăng cường sản xuất ethanol và giảm lượng mía dùng sản xuất đường); các nước nới dần lệnh phong tỏa chống Covid-19, kéo theo nhu cầu nhiên liệu cũng như nhu cầu đường đều tăng trở lại; và dự báo thị trường đường thế giới niên vụ 2019/20 và 2020/21 sẽ thiếu cung.
Tuy nhiên, xu hướng tăng của giá đường hiện nay được các chuyên gia cho là thiếu bền vững, khi mà giá dầu có nguy cơ sẽ quay đầu giảm trong thời gian tới, do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) mới chỉ thỏa thuận kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng sâu 9,7 triệu thùng/ngày thêm một tháng, tức là đến hết tháng 7/2020, và có dấu hiệu cho thấy một số thành viên không mặn mà với chương trình này nữa. Trong khi đó, có nguy cơ xảy ra một làn sóng Covid-19 lần thứ 2 khi số ca nhiễm ở nhiều quốc gia đang tăng nhanh trở lại cùng với tiến độ nới lỏng chính sách giãn cách xã hội. Giá dầu giảm sẽ tác động trực tiếp lên giá đường.
Mặt khác, dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng thế giới sẽ thiếu hụt đường trong niên vụ 2019/20 và 2020/21, nhưng chú thích rằng những con số đưa ra chưa tính tới tác động của Covid-19.
Mặc dù vậy, cán cân cung – cầu đường trên thị trường thế giới đã có sự thay đổi đáng kể.
USDA dự báo năm 2019/20 thị trường đường thế giới sẽ thiếu hụt 6,1 triệu tấn, là mức thiếu hụt nhiều nhất trong vòng ít nhất 1 thập kỷ, mặc dù sản lượng mía của Brazil sẽ cao kỷ lục, 40 triệu tấn, trong đó 46% được dùng sản xuất đường, tăng so với 35% của năm 2019. Với mức thiếu hụt trên 6 triệu tấn, trong trường hợp xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 2, thị trường đường thế giới cũng hầu như không thể đảo ngược tình huống từ thiếu hụt sang dư thừa.
* Số liệu dự báo (chưa tính tới tác động của Covid-19) 
USDA đã đưa ra những dự báo đầu tiên về niên vụ 2020/21, theo đó sản lượng đường toàn cầu dự báo tăng 22 triệu tấn lên 188 triệu tấn (quy thô), do sản lượng của Brazil, Ấn Độ và Thái Lan tăng. Tiêu thụ dự báo cũng sẽ tăng lên kỷ lục cao nhờ xu hướng gia tăng tiêu thụ ở các thị trường như Ấn Độ, và dự báo tồn trữ cuối vụ tiếp tục giảm. Xuất khẩu dự báo cũng sẽ tăng mạnh theo xu hướng sản lượng.
Cả 3 thị trường sản xuất chủ chốt dự báo sẽ đều tăng sản lượng. Sản lượng của Brazil niên vụ 2020/21 dự báo sẽ tăng thêm 9,6 triệu tấn lên 39,5 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi và tỷ lệ mía dùng sản xuất đường tăng lên. Tiêu thụ đường của Brazil dự báo sẽ ổn định. Sản lượng của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 17% lên 33,7 triệu tấn cũng do thời tiết thuận lợi và chính sách khuyến khích trồng và thu hoạch mía, trong khi nhu cầu nội địa cũng tăng nên xuất khẩu dự báo ổn định ở 5 triệu tấn. Sản lượng của Liên minh châu Âu dự báo tăng 2,5% lên 17,7 triệu tấn mặc dù diện tích giảm 2%; tiêu thụ không thay đổi trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ tăng do nguồn cung tăng; nhập khẩu cũng vững ở 1,5 triệu tấn. Sản lượng của Thái Lan dự báo sẽ phục hồi, tăng 4,7 triệu tấn nhờ năng suất mía tăng; tiêu thụ cũng tăng cả trong lĩnh vực chế biến thực phẩm lẫn tiêu thjj trực tiếp; xuất khẩu dự báo sẽ cao kỷ lục 11, triệu tấn, tồn trữ sẽ giảm xuống mức thấp nhất 8 năm. 

Nguồn:CafeF/Báo dân sinh

Link gốc