menu search
Đóng menu
Đóng

Khi giá dầu 'nhảy múa'

07:00 23/11/2018

Vinanet -Theo các chuyên gia phân tích, sự biến động của giá dầu trong thời gian gần đây chịu ảnh hưởng chính từ những chính sách của ông Trump.
Giá dầu đáng lẽ phải tăng mạnh trong giai đoạn này, khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực từ đầu tháng, xuất khẩu từ quốc gia này đã được dự báo sẽ giảm xuống gần bằng 0. Iran là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ tư trên thế giới trong năm ngoái. 
Như dự báo, giá dầu thô Brent đã vượt ngưỡng 86 USD/thùng vào đầu tháng 10, ghi nhận mức cao nhất trong 4 năm, và một số chuyên gia cảnh bảo giá còn lên tới 100 USD/thùng. 
Tuy nhiên, hôm 8/11, giá dầu đã bước vào thị trường giá xuống. Giá dầu thô Brent đạt 66,53 USD vào ngày 14/11. Trong khi, giá dầu thô ngọt, nhẹ WTI của Mỹ giảm liên tiếp trong 12 phiên giao dịch, cho tới ngày 14/11, khi giá dầu cuối cùng cũng đi lên. Đây là chuỗi giảm dài nhất trong hơn một thập kỉ qua, và giá dầu thô WTI đã giảm 20% từ đỉnh mới lập trong thời gian gần đây.
Nguồn: The Economist.
Một số nguyên nhân cho sự sụt giảm không đặc biệt, như trong tháng 10, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hay rắc rối trên các thị trường mới nổi đã ảnh hưởng thái quá đến nhu cầu đối với dầu được giao dịch bằng đồng USD, vì nó trở nên quá đắt khi các đồng tiền địa phương suy yếu. 
Mặc dù vậy, sự biến động gần đây của thị trường dầu cũng phản ánh những tác nhân mới, gồm giới hạn sản xuất của các nhà sản xuất lớn và ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
 Theo đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu là Arab Saudi, mong muốn thị trường ổn định. Giá dầu chỉ cần đủ cao để duy trì ngân sách của các thành viên và đủ thấp để hỗ trợ nhu cầu trên thế giới. 
Tuy nhiên, thế giới hiện có ba nhà sản xuất dầu hàng đầu, gồm Mỹ, Arab Saudi và Nga, và chỉ có một quốc gia duy nhất là thành viên của OPEC. Với việc ngành dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ, Arab Saudi đã quay sang Nga để hợp tác trong vấn đề sản lượng. Và quan điểm của họ không hoàn toàn tương đồng.
Trong khi Bộ trưởng Dầu khí Arab Saudi, Khalid al-Falih, trong tuần trước cho biết quốc gia này sẽ giảm 500.000 thùng dầu/ngàyu vào tháng 12; Bộ trưởng Dầu khí Nga nghi ngờ khả năng thị trường sẽ dư thừa nguồn cung. 
Sức mạnh thao túng thị trường dầu nằm trong tay ông Trump?
Bên cạnh đó, Mỹ lại là nhân tố gây mất ổn định rất lớn. Trong năm nay, quốc gia này trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Các công ty dầu đá phiến Mỹ đã bơm dầu với với tốc độ phi thường. Sản lượng dầu trong tháng 8 đã tăng 23% so với năm trước. 
Tuy nhiên, ngành dầu đá phiến "chịu ơn" các nhà đầu tư, chứ không phải một vị bộ trưởng dầu khí nào đó, và sản lượng có thể tạm ngừng nếu giá dầu tiếp tục giảm và giới đầu tư yêu cầu lợi nhuận lớn hơn. Trên tất cả, các chính sách của ông Trump đã đưa thị trường dầu đến xu hướng này.
Sau khi ông Trump tuyên bố lệnh trừng phạt đối với Iran hồi tháng 5, OPEC và các đồng minh đã thống nhất tăng sản xuất. Sản lượng từ Arab Saudi và Nga đã lên cao kỉ lục. Sau đó, vào ngày 5/11, Mỹ tuyên bố miễn trừ chịu lệnh trừng phạt cho Trung Quốc, Ấn Độ và 6 quốc gia khác để nhập khẩu dầu từ Iran trong 180 ngày. Các quốc gia này chiếm hơn 75% xuất khẩu của Iran, theo một công ty nghiên cứu Sanford C. Bernstein. 
Chính sách thương mại của ông Trump cũng làm giảm nhu cầu về dầu. Việc IMF hạ dự báo tăng trưởng một phần là do sự chậm lại của các thị trường mới nổi, nhưng cũng do căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại leo thang, nhân tố khiến những nền kinh tế mới nổi tiếp tục suy yếu.
Tăng trưởng vận chuyển hàng hóa bằng máy bay và tàu thuyền đã giảm khoảng một nửa trong năm ngoái, khiến nhu cầu đối với dầu diesel giảm, theo ông Edward Morse của Citigroup. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên thị trường dầu, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm khoảng 40% tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2017. Hôm 13/11, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu cho năm tới.
Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu giảm, vẫn có lí do để nhiều người nghĩ rằng nó sẽ sớm tăng mạnh trở lại. Theo đó, việc giảm sản lượng có thể diễn ra trong vài tháng tới, sau khi OPEC và các đối tác gặp mặt tại Vienna, Áo. Cùng với đó, bất ổn tại Iran, gián đoạn sản xuất tại Venezuela, Libya, Nigeria hay Iraq có thể thu hẹp nguồn cung toàn cầu.
 5 quốc gia này chiếm 12% sản lượng dầu toàn cầu trong giai đoạn tháng 7 - tháng 9, nhiều hơn cả Arab Saudi.
Và cũng có khả năng ông Trump sẽ thay đổi quyết định, ví dụ như đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, hoặc thắt chặt các hạn chế với Iran một lần nữa, hay chỉ đơn giản là đăng một phát biểu tải lên Twitter. Hôm 12/11, ông viết trên Twitter của mình kêu gọi OPEC dừng việc giảm sản xuất, và giá dầu đã giảm sau đó.
Biến động của giá dầu thế giới đối với thị trường xăng, dầu Việt Nam
Trên thị trường nội địa, sau khi giá dầu thế giới phục hồi trở lại nhờ thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, giá xăng, dầu cũng điều chỉnh tăng theo. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) leo thang. Trong tháng 6, CPI tăng 0,61% so với tháng trước đó, ghi nhận mức cao lớn nhất trong 7 năm. 
Giá dầu tăng mạnh, đặc biệt vào đầu tháng 10 khi vượt 80 USD/thùng, khiến liên Công Thương - Tài chính liên tục tăng chi quĩ bình ổn để hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát. 
Theo ghi nhận, sau 3 lần tăng mạnh liên tiếp, giá xăng trong nước bắt đầu được điều chỉnh giảm trở lại từ ngày 22/10 vì giá dầu thế giới xuống dưới 70 USD. 
Tại kỳ điều chỉnh 6/11, giá bán lẻ xăng trong nước giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít, lần lượt 1.138 đồng với xăng RON 95 và 1.082 đồng với xăng E5 RON 92. Trong khi đó, dầu diesel giảm 67 đồng còn dầu hoả và madut giữ nguyên giá bán. 
Từ đầu năm đến nay đã có 20 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó 6 lần tăng giá xăng, 3 lần giảm. Về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, đến cuối quý III, số dư quỹ này còn 3.039 tỷ đồng. So với cuối năm 2017, số dư quỹ giảm 2.066 tỷ, tương đương giảm khoảng 40%.
 Nguồn: Lyly Cao/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng