menu search
Đóng menu
Đóng

TT cao su tháng 5, 5 tháng năm 2019

22:33 05/06/2019

Vinanet -Tháng 5/2019, giá cao su trên thị trường thế giới tăng mạnh; Trung Quốc một trong những thị trường nhập khẩu cao su lớn trên thế giới giảm nhập từ Thái Lan và Malaysia, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam. Trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu và xuất khẩu đồng loạt tăng.
Thị trường cao su thế giới tháng 5/2019 giá tăng mạnh so với tháng 4/2019. Cụ thể, tại sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 30/5/2019 giá cao su giao kỳ hạn tháng 6/2019 giao dịch ở mức 1,99 USD/kg, tăng 14,2% so với cuối tháng 4/2019.

Tại Thượng Hải, ngày 30/5/2019, giá cao su kỳ hạn tháng 6/2019 giao dịch ở mức 11.950 NDT/tấn (tương đương 1,73 USD/kg), tăng 4,1% so với cuối tháng 4/2019.

Tại Thái Lan, ngày 30/5/2019 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 57,5 Baht/kg (tương đương 1,81 USD/kg), tăng 10,4% so với cuối tháng 4/2019.

Giá cao su tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào trước thông tin Thái Lan bắt đầu triển khai giảm xuất khẩu cao su. Đợt nắng nóng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng tác động mạnh lên thị trường cao su khi thời tiết buộc các nhà vườn phải giảm khai thác mủ. Tỉnh Vân Nam là địa phương cung cấp 50% tổng sản lượng cao su của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá cao su.
Trung Quốc là một trong những quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 800.000 tấn. Một nửa số đó đến từ tỉnh Vân Nam. Tuy nhiên, trong một tháng vừa qua, phần lớn khu vực tại Vân Nam chịu hạn với nhiệt độ tại một số nơi đạt 40oC.
Tại thị trường nội địa, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước có xu hướng tăng theo thị trường thế giới. Ngày 30/5/2019, tại Đắk Lăk giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 280 đ/độ TSC và 285 đ/độ TSC, tăng 40 đ/độ TSC so với cuối tháng 4/2019.
Theo Cục XNK (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su tháng 5/2019 ước đạt 80 nghìn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 7% về trị giá so với tháng 4/2019; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 26,5% về lượng và giảm 26,2% về trị giá. Giá xuất bình quân tháng 5/2019 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.450 USD/tấn.
Lũy kế tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2019, lượng cao su xuất khẩu ước đạt 495 nghìn tấn, trị giá 673 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay, 60% tổng lượng cao su xuất khẩu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong khi khoảng 70% cao su tự nhiên được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Do đó, việc Mỹ áp thuế cao đối với linh kiện ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu cao su từ đầu năm 2019 đến nay tăng trưởng khả quan, nhưng để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cần đa dạng hóa mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới thị trường Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xe đang phát triển rất nhanh.
Theo thống kê của TCHQ, tháng 4/2019 xuất khẩu hầu hết các chủng loại cao su tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp đạt 42,88 nghìn tấn, trị giá 61,23 triệu USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 57,2% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4/2019.
Đáng chú ý, trong tháng 4/2019, các chủng loại cao su có lượng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 gồn: Cao su SVR20 tăng 1091%; cao su hỗn hợp tăng 99,8%, RSS1 tăng 69,2%, Latex tăng 36,2%, SVRCV60 tăng 32,6%... Các chủng loại cao su có lượng xuất khẩu giảm gồm: Cao su RSS3 giảm 40,5%, SVR10 giảm 28,6%, SVR3L giảm 17,6%...
Chủng loại cao su xuất khẩu của Việt nam tháng 4, 4 tháng năm 2019

Về giá xuất khẩu: Trong 4 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu các mặt hàng cao su giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cao su SVR20 có giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nhất, giảm 13,9%, kế đến là cao su Latex giảm 13,2%, giá cao su hỗn hợp giảm 7,5%, SVR20 giảm 7,2%, SVR3L giảm 10%....
Cũng theo số liệu từ TCHQ, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường chủ lực hầu hết đều tăng trưởng, trong đó Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 65% tổng lượng nhóm hàng, đạt 269,2 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng 37,38% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trước đó tháng 3/2019, Việt Nam là một trong 3 thị trường cung cấp cao su chính cho Trung Quốc, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, trong khi giảm nhập khẩu cao su từ Thái Lan và Malaysia thì Trung Quốc nhập khẩu 342,79 nghìn tấn cao su từ Việt Nam, trị giá 310,24 triệu USD, tăng 38,2% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 10,3% trong 3 tháng đầu năm 2018, lên 15% trong 3 tháng đầu năm 2019.
Trong 3 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng cao su tự nhiên chủ yếu từ Việt Nam – thị trường cung cấp lớn thứ 4, chiếm 6,9% thị phần trong tổng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Thái Lan chiếm 66,6%, Malasyia chiếm 12,5%, Indonesia chiếm 8,5%. Đáng chú ý, lượng cao su tự nhiên nhập từ Việt Nam của Trung Quốc trong 3 tháng 2019 tăng so với cùng kỳ 2018, với lượng đạt 32,73 nghìn tấn tăng 27,2%, trị giá 39,68 triệu USD, tăng 4,4%.
Đối với cao su tổng hợp (mã HS:4002), trong 3 tháng đầu năm 2019 Trung Quốc đã nhập 1,1 triệu tấn, trị giá 1,74 tỷ USD, tăng 0,7% vè lượng, nhưng giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan, Việt Nam và Malasyia là 3 thị trường cung cấp cao su tổng hợp lớn nhất cho Trung Quốc. Trong đó, thị phần cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 18,8% trong tổng nhập khẩu cao su tổng hợp của Trung Quốc, trong khi Thái Lan chiếm 39,6%. Theo đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu cao su tổng hợp từ Việt Nam, đạt 206,8 nghìn tấn, trị giá 266,13 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu cao su tái sinh (mã HS: 4003), tăng 42,5% về lượng đạt 28,46 nghìn tấn và tăng 30,5% về trị giá đạt 20 triệu USD, trong đó nhập từ Việt Nam chiếm 3,4% trong tổng lượng cao su tái sinh nhập khảu của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2019.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng tăng mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ - thị trường chủ lực đứng thứ hai sau Trung Quốc, đạt 33,8 nghìn tấn, trị giá 46,5 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng 45,35% về lượng và 28,27% trị giá so với cùng kỳ. Kế đến là các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Indonesia…
Đặc biệt, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu sang thị trường Singapore tăng vượt trội, gấp 4,4 lần về lượng (tương ứng 355%) và gấp 3,9 lần (tương ứng 299,4%) về trị giá, tuy chỉ đạt 91 tấn, 133,4 nghìn USD. Ngoài ra, cao su của Việt Nam cũng được xuất khẩu mạnh sang các thị trường như Hà Lan và Séc với tốc độ tăng lần lượt 95,15% và 80,13% về lượng.
Ở chiều ngược lại, lượng cao su xuất khẩu sang thị trương Malaysia lại giảm mạnh 62,55% tương ứng với trên 6 nghìn tấn.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su 4 tháng năm 2019

Nguồn: VITIC Tổng hợp/Cục XNK Bộ Công Thương

Nguồn:Vinanet