menu search
Đóng menu
Đóng

Giá hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường 8 tháng đầu năm giảm mạnh

14:01 24/09/2019

Vinanet - Trong 8 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu hạt tiêu sang toàn bộ các thị trường đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, do đó có rất nhiều thị trường tăng mạnh về lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch lại giảm ở hầu hết các thị trường.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2019 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu hạt tiêu sụt giảm; cụ thể, tháng 8/2019 giảm 19,9% về khối lượng, giảm 22,6% về kim ngạch và giảm 3,5% về giá so với tháng 7/2019, đạt 18.872 tấn, tương đương 46,39 triệu USD, giá trung bình 2.458,4 USD/tấn.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2019 cả nước xuất khẩu 218.340 tấn hạt tiêu, tương đương 556,28 triệu USD, giá trung bình 2.547,8 USD/tấn, tăng 24,4% về lượng nhưng giảm 4,8% về kim ngạch và giảm 23,5% về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ đứng đầu về kim ngạch, đạt 36.543 tấn, tương đương 100,84 triệu USD, chiếm 16,7% trong tổng lượng và chiếm 18,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước, tăng 15,8% về lượng nhưng kim ngạch giảm 10,5% so với cùng kỳ, giá giảm 22,7%, đạt 2.759,4 USD/tấn.
Xuất khẩu hạt tiêu sang EU chiếm 11,3% trong tổng lượng và chiếm 13,6% trong tổng kim ngạch, đạt 24.609 tấn, tương đương 75,44 triệu USD, tăng 22,5% về lượng nhưng giảm 4,4% về kim ngạch, giá giảm 22%, đạt 3.065,6 USD/tấn.
Xuất khẩu sang Ấn Độ mặc dù tăng 9,6% về lượng, nhưng vẫn giảm 17,5% về kim ngạch và giảm 24,8% về giá so với cùng kỳ, đạt 16.567 tấn, tương đương 40,31 triệu USD, giá 2.433,1 USD/tấn, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước.
Hạt tiêu xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á nói chung tăng mạnh 43,5% về lượng nhưng chỉ tăng 6,1% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 14.146 tấn, tương đương 36,31 triệu USD, chiếm trên 6% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước.
Trong 8 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu hạt tiêu sang toàn bộ các thị trường đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, do đó có rất nhiều thị trường tăng mạnh về lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch lại giảm ở hầu hết các thị trường, riêng thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch, với mức tăng tương ứng 73,5% và 33,2%, đạt 3.891 tấn, tương đương 8,31 triệu USD; xuất khẩu sang Đức cũng tăng 45,8% về lượng và tăng 10,2% về kim ngạch, đạt 8.615 tấn, tương đương 25,07 triệu USD.
Ngược lại, các thị trường sụt giảm mạnh cả lượng và kim ngạch gồm có: Singapore giảm 56% về lượng và giảm 67% về kim ngạch, đạt 668 tấn, tương đương 1,67 triệu USD; Kuwait giảm 28,7% về lượng và giảm 48,3% về kim ngạch, đạt 326 tấn, tương đương 0,83 triệu USD; Ai Cập giảm 18,1% về lượng và giảm 35,3% về kim ngạch, đạt 5.637 tấn, tương đương 12,08 triệu USD.
Theo thông tin từ Baohaiquan.vn, các chuyên gia cho rằng giá hạt tiêu giảm do nguồn cung trên thế giới tăng. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, chất lượng bị ảnh hưởng một phần từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác. 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng nhưng 2 năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng; trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trong 8 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường đều giảm về giá trị do ảnh hưởng của xu hướng giảm giá trên thị trường toàn cầu thì xuất khẩu sang thị trường Đức lại tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Trong bối cảnh xuất khẩu hạt tiêu đang đối diện với nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì việc Việt Nam ký kết thành công Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội tốt cho ngành hồ tiêu Việt Nam. Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 09.04) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5-9%).
Một số chuyên gia phân tích: Trước đây, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường EU phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng nước thì sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối để có thể xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU. Việt Nam cũng sẽ tận dụng được cơ hội để phát triển ngành chế biến hạt tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ.
Với EVFTA nói riêng và các thị trường khác nói chung, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã nhiều lần bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hạt tiêu.
Tiêu biểu như vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1 ppm, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu điều chỉnh mức này xuống còn 0,05 ppm. Đến năm 2018, mới chỉ có 46% hạt tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Nhà nước cần xây dựng, phát triển vùng sản xuất, tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp và tiến tới có giải pháp hỗ trợ các hộ sản xuất để phát triển các đồn điền tiêu hữu cơ; thúc đẩy xây dựng hệ thống thông tin, dự báo và phát triển thị trường đặc biệt là thị trường nước ngoài để tận dụng các cơ hội xâm nhập và mở rộng thị trường; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hạt tiêu sang các thị trường có tiềm năng như Mexico, duy trì và phát triển vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên các thị trường thuộc khối EU.
Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết liên doanh để hình thành các hiệp hội có đủ năng lực quản lý hoạt động ngành hàng; chủ động trong công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng, đặc biệt tại thị trường EU...

Xuất khẩu hạt tiêu 8 tháng đầu năm 2019

Thị trường

8 tháng đầu năm 2019

+/- so với cùng kỳ (%)*

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Tổng cộng

218.340

556.281.123

24,43

-4,78

Mỹ

36.543

100.837.594

15,8

-10,46

Ấn Độ

16.567

40.309.582

9,63

-17,52

Đức

8.615

25.069.421

45,79

10,24

Pakistan

8.592

20.811.773

2,16

-22,45

Hà Lan

6.017

20.590.827

20,1

-4,48

U.A.E

8.215

19.249.193

6,49

-15,31

Thái Lan

5.266

15.718.158

32,44

-4,28

Ai Cập

5.637

12.081.214

-18,11

-35,33

Anh

3.313

11.039.706

9,45

-14,91

Hàn Quốc

3.959

10.941.690

12,57

-12,54

Nga

3.926

8.751.549

28,47

0,92

Philippines

4.002

8.531.952

14,93

-9,08

Thổ Nhĩ Kỳ

3.891

8.311.448

73,47

33,18

Saudi Arabia

2.791

7.084.108

 

 

Myanmar

2.880

6.766.317

 

 

Nam Phi

2.330

6.646.527

21,54

-8,68

Canada

2.092

6.168.376

10,92

-15,21

Pháp

2.025

5.537.084

13,7

-10,57

Tây Ban Nha

1.833

5.394.334

-4,93

-18,97

Senegal

2.265

5.143.536

 

 

Ba Lan

1.864

4.892.923

35,37

3,93

Nhật Bản

2.094

4.654.173

5,6

-52,3

Australia

1.268

4.350.176

-17,23

-34,2

Malaysia

1.330

3.616.455

50,62

8

Ukraine

1.346

2.983.685

-12,43

-34,04

Italia

682

1.966.969

-6,83

-27,36

Singapore

668

1.673.707

-56,02

-67

Algeria

467

1.078.240

 

 

Bỉ

260

949.855

-20,25

-31,18

Kuwait

326

828.892

-28,67

-48,31

Sri Lanka

150

429.885

 

 

(*Tính toán từ số liệu của TCHQ)

Nguồn: VITIC