menu search
Đóng menu
Đóng

FTA khu vực châu Phi sẽ có hiệu lực vào ngày 30/5/2019

11:17 07/05/2019

Vinanet - Ngày 30/4/2019, Ủy ban Liên minh Châu Phi ra thông báo Hiệp định thành lập Khu vực tự do mậu dịch châu Phi (FTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 30/5/2019.
Thông báo này được đưa ra khi Sierra Leone và CH Ả rập Xaraui Dân chủ (RASD) vừa phê chuẩn Hiệp định. Như vậy đã có 22 quốc gia phê chuẩn FTA, cho phép đạt được ngưỡng tối thiểu về số nước thành viên, điều kiện để FTA châu Phi có hiệu lực.
Hiện tại, Liên minh châu Phi (AU) và các Bộ trưởng Thương mại của Châu Phi chỉ còn hoàn tất các công cụ hỗ trợ để tạo điều kiện tiến hành giai đoạn thực hiện FTA tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi tổ chức vào ngày 7/7/2019.
Các công cụ hỗ trợ của FTA châu Phi bao gồm những quy tắc xuất xứ, lịch trình nhượng bộ thuế quan về thương mại hàng hóa, một cơ chế giám sát và loại bỏ những trở ngại phi thuế đối với thương mại trực tuyến, nền tảng thanh toán số và xây dựng một cổng thông tin theo dõi tình hình thương mại châu Phi.
AU tuyên bố đang chờ thông báo của Zimbabwe và Gambia sau khi nghị viện hai nước này đã phê chuẩn hiệp định nói trên. Các bộ trưởng Thương mại châu Phi sẽ nhóm họp tại Kampala, thủ đô Ouganda vào tuần đầu tháng sáu để kiểm tra tiến độ hoàn thiện các công cụ hỗ trợ nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh bất thường về FTA toàn châu lục.
Chủ tịch Ủy ban Châu Phi, ông Moussa Faki Mahamat cho biết thêm hiệp định tự do mậu dịch này là một quá trình cho phép tạo ra một thị trường rộng lớn nhằm tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư bên trong lục địa. Hiệp định đã được 44 nước trên tổng số 55 quốc gia châu Phi ký vào tháng 3/2018 tại Kigali, chủ đô Rwanda.
Hiệp định này được kỳ vọng tạo ra một châu lục không thuế quan, có khả năng phát triển doanh nghiệp địa phương, kích thích thương mại bên trong châu Phi, thúc đẩy công nghiệp hóa và tạo công ăn việc làm mới.
Theo AU, điều này sẽ mở đường cho việc thành lập Liên minh hải quan vào năm 2022 và Cộng đồng kinh tế châu Phi vào năm 2028. FTA toàn châu Phi sẽ là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới nếu tính theo số nước tham gia với tổng dân số 1,2 tỷ người và GDP là 2500 tỷ USD. Các nước thành viên cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai.
Theo Ủy ban kinh tế Liên hiệp quốc về châu Phi, khi đi vào hoạt động, từ nay đến năm 2020, FTA này cũng sẽ góp phần làm tăng thương mại nội khối thêm 52%. Tuy nhiên, trong số các quốc gia ký kết không có Nigeria, nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất châu lục, có dân số đông nhất châu Phi (gần 200 triệu người). Lý do được chính quyền Nigera đưa ra là còn phải giải quyết các bất đồng với khu vực tư nhân và công đoàn nước này.
Liên minh châu Phi (AU) nhấn mạnh, tăng cường thương mại nội khối và hội nhập thị trường sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn. Chính sách thực dân đã khiến các nước láng giếng ngừng giao dịch với nhau, các nước châu Phi chủ yếu chỉ giao thương với châu Âu và Mỹ. Việc loại bỏ các rào cản thương mại được kỳ vọng không chỉ giúp tăng trưởng thương mại nội khối của châu Phi, mà còn giúp gia tăng các con đường thương mại cần thiết khác cho châu lục.
Theo báo cáo từ UNECA, từ 2010 đến 2015, nhiên liệu là mặt hàng chiếm hơn phân nửa trong kim ngạch xuất khẩu của châu Phi, trong khi hàng công nghiệp chỉ chiếm 18%. Còn trong nội bộ châu Phi, 43% mặt hàng được giao dịch là hàng hóa sản xuất công nghiệp. Giá cả hàng hóa rất hay biến động, dẫn đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu cũng dễ bị ảnh hưởng. Châu Phi cần xuất khẩu các hàng hóa có hàm lượng vốn lớn, hơn là hàng hóa có hàm lượng lao động cao. Với nền kinh tế châu Phi như hiện nay, những người trẻ sẽ không thể tìm được việc làm và sẽ cố gắng tìm đến châu Âu. Khối tự do thương mại sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của châu Phi một cách đáng kể và vị trí của châu Phi cũng được cải thiện trên thị trường toàn cầu.
Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri (KIêm nhiệm Ma-li, Xê-nê-gan, Xa-ra-uy, Ni-giê, Găm-bi-a)
Nguồn: Moit.gov.vn