menu search
Đóng menu
Đóng

Tham gia CPTPP về tổng thể có lợi cho Việt Nam

08:53 03/11/2018

Vinanet - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Sáng 2-11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP và các văn kiện liên quan.
“Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP sẽ giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, Chủ tịch Nước nêu rõ.
Ông cho biết, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực đê rứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại đọc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Cơ hội tăng xuất khẩu, GDP
Theo bản Thuyết minh về CPTPP (bổ sung, cập nhật đến ngày 30 tháng 10 năm 2018) được chính phủ báo cáo quốc hội, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.
CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Tham gia CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000. Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày.
Một số thách thức
Theo nhận định của chính phủ, do Việt Nam đã có FTA với 7 trên 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mexico và Peru.
- Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50 phần trăm số nước ký kết của Hiệp định thông báo với Cơ quan lưu chiểu (New Zealand) bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
- Cho đến nay, đã có 6 nước thông báo chính thức tới New Zealand về việc hoàn thành quá trình phê chuẩn là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
- Chính phủ Việt Nam không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định.
Tuy nhiên, chính phủ cho rằng thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước này.
Tuy nhiên, chính phủ cho rằng thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và hiện Việt Nam đang xuất siêu sang cả 3 nước này.
Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, ta đã bảo lưu được lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài cho các sản phẩm này (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm).
Ngoài ra, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, theo chính phủ, có cơ sở cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong tương lai 10 - 15 năm nữa sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.
Một số ngành như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics v.v. có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội trong việc giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước nói chung. Các lĩnh vực nhạy cảm nhất như đầu tư hạ tầng viễn thông, đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, truyền tải và phân phối điện, điện nguyên tử, khai khoáng, phân phối dược phẩm, xăng dầu v.v. đều hoặc là không cho phép đầu tư, hoặc là bảo lưu quyền cấp phép hết sức chặt chẽ nên dự kiến sẽ không có tác động bất lợi.
Báo cáo của chính phủ cho biết, để thực thi cam kết trong CPTPP, ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động v.v. Sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có nhưng sẽ vượt qua được vì một số lý do.
Một là, những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (ví dụ như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), đã được 11 nước "tạm hoãn" sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Hai là, nhiều cam kết tuy mới nhưng lại phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước (ví dụ như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn.
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, tuy nhiên sẽ không tác động đột ngột do trong CPTPP có đến 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam; chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico, Peru là chưa có FTA với Việt Nam nhưng thương mại hiện còn khiêm tốn.
 Thách thức về lao động trong CPTPP
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động mà với tư cách là thành viên của ILO, tất cả các thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi. Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định.
Thách thức ở đây liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn. Thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức của người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích..
Nguồn: Minh Đức (TBKTSG Online)