menu search
Đóng menu
Đóng

VPA/FLEGT: Cơ hội Việt Nam tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

09:04 08/01/2019

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp song phương với Đoàn công tác của Nghị viện châu Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Vinanet -Việt Nam và EU đang hướng tới sớm phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT).
Trong chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 7 – 9/1 của Đoàn công tác của Nghị viện châu Âu do bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện dẫn đầu, sáng 7/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp song phương với đoàn công tác.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao mối quan hệ hợp tác rất phát triển giữa Việt Nam và EU, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. EU có trình độ quản trị tốt, đặc biệt là công nghệ rất cao, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Mối quan hệ Việt Nam và EU ngày càng được mở rộng sâu sắc và có hiệu quả rất thiết thực.
Về phát triển bền vững, EU được coi là đối tác phát triển với hai trụ cột chính là kinh tế biển và phát triển rừng. Phát triển thủy sản và rừng cũng được coi là vấn đề quan trọng của Việt Nam.
Về đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU), EU đã đưa ra “thẻ vàng” cùng với 9 khuyến nghị với Việt Nam để phát triển một nghề cá phát triển bền vững. Khuyến nghị này của EU trùng với những nhiệm vụ của Việt Nam để hướng tới nghề cá phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay sau khi EU đưa ra những khuyến nghị, Việt Nam đã nhanh chóng hoàn thiện về thể chế, pháp luật; trong đó, có Luật Thủy sản mới. Chín nội dung khuyến nghị của EU đã được đưa vào Luật. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ cộng tác từ EU. Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực thi vì mục tiêu phát triển bền vững mà trước hết là cho Việt Nam.
Về lâm nghiệp, Việt Nam rất coi trọng vấn đề phát triển lâm nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có trên 14 triệu ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Đây là tỷ lệ cao trong khu vực và thế giới, đặc biệt là so với trình độ nền kinh tế và địa hình của Việt Nam.
Việt Nam đang xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp với sự tham gia của 4.500 doanh nghiệp tham gia và chuỗi lâm sản. Năm 2018, Việt Nam đã chủ động được 80% nguyên liệu. Do đó, bước đầu xây dựng được ngành kinh tế lâm nghiệp với kim ngạch xuất khẩu trên 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, lâm nghiệp Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như: năng suất rừng trồng chưa cao. Những người tham gia chuỗi còn chưa nhiều, diện tích rừng đạt chứng chỉ bền vững (FSC) còn thấp… Việc Việt Nam và EU ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu ngành kinh tế này, hướng đến minh mạch hóa chuỗi sản xuất từ nguyên liệu, chế biến và thương mại.
“Việt Nam coi Hiệp định là áp lực để tự điều chỉnh chứ không phải là đặc ân. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ phải nỗ lực cao hơn trước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, IUU và VPA/FLEGT là hai quy định tiên tiến của EU. Người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc của sản phẩm: như tính minh bạch của sản phẩm, trách nhiệm giải trình… Do đó,trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng trở nên quan trọng.
Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam là hiệp định thứ hai tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia. Đây là một bước đi quan trọng của EU trong việc xây dựng một chiến lược rộng hơn nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại châu Á và chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việt Nam đã cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chỉ có gỗ được sản xuất hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam.
“Chúng ta cần đảm bảo nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp khi vào EU. Việc xác định những quy định chi tiết, đặc biệt liên quan đến nhập khẩu là việc quan trọng trong thực hiện vấn đề này” bà Heidi Hautala nhấn mạnh.
Bà Heidi Hautala cho rằng, Hiệp định sẽ tạo được tính minh mạch và lan tỏa trong chuỗi sản xuất cũng như với các quốc gia khác. Bởi EU đã và đang chuẩn bị ký hiệp định với 16 quốc gia khác. EU đang hướng tới sớm phê chuẩn hiệp định này với Việt Nam thời gian tới. Việt Nam cũng đã cam kết trong lĩnh vực này trong khuôn khổ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Vì vậy, việc triển khai Hiệp định VPA sẽ tạo thuận lợi cho các thảo luận về EVFTA.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam sẽ có chương trình hành động với sự vào cuộc từ cấp Chính phủ đến người dân để khi hiệp định đi vào thực thi sẽ được đồng bộ. Trong quá trình triển khai, Việt Nam rất mong được sự giúp đỡ của EU để nội dung hành động sát thực tiễn và khả thi. Trong quá trình thực thi sẽ có thêm các tổ chức xã hội để cùng giám sát, tạo sự minh bạch.
Nguồn: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN