menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường thủy sản tháng 8/2020

14:13 21/09/2020

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 8/2020 vẫn duy trì ở mức thấp, giá tôm thương phẩm có dấu hiệu giảm nhẹ.

Giá cả

Cá tra

 

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 8/2020 vẫn duy trì ở mức thấp từ những tháng trước, trong khoảng 17.500 – 18.000 đ/kg đối với loại 700-800 g/con, như vậy người nuôi lỗ vốn 5.000 - 7.000 đồng/kg, mức giá này giảm 45% so với năm 2019. Nguyên nhân khiến cá tra sụt giảm là do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi xuất khẩu gặp khó khăn bởi các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, cá tra của Việt Nam còn bị cạnh tranh bởi những quốc gia khác cũng đang tăng sản lượng nuôi cá tra.
Giá cá tra thịt trắng loại 1 tại Đồng Tháp
ĐVT: đ/kg
Nguồn: Tính toán từ số liệu của VASEP
Tôm
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 quay trở lại, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL tháng 8/2020 có dấu hiệu giảm nhẹ so với giá trung bình tháng 7/2020; Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 69.000 đồng/kg, loại 80 con/kg có giá 80.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 100.000 đồng/kg; giảm trung bình 5.000 - 10.000 do với tháng trước đó.
Ngược lại, giá tôm sú vẫn giữ mức ổn định trong nhiều tháng qua. Hiện nay, tôm sú loại 40 con/kg có giá 190.000/kg, loại 30 con/kg khoảng 275.000 đồng/kg, loại 20 con giá 300.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thủy sản, những tháng đầu năm 2020, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán và xâm nhập mặn; cùng đó, sự xuất hiện của những cơn mưa trái mùa đã gây biến động môi trường ao nuôi, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả tôm nuôi, khiến giá tôm thương phẩm bấp bênh trong suốt thời gian qua.
Diễn biến giá tôm sú loại 30 con/kg tại ĐBSCL
ĐVT: đ/kg
Nguồn: Tính toán từ số liệu của VASEP
Cung, cầu
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 7/2020 ước đạt 783.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó sản lượng khai thác đạt 345.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 438.000 tấn. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng ước đạt 4,65 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 54,3% kế hoạch năm 2020, trong đó sản lượng khai thác 2,23 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 2,42 triệu tấn.
Về nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ đến ngày 20/7/2020 ước đạt 673.709 ha (bằng 95,1% so với cùng kỳ 2019) trong đó tôm sú 610.681 ha (bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng 62.699 ha (bằng 87,3% so với cùng kỳ 2019). Sản lượng nuôi tôm nước lợ ước tính đến hết ngày 20/7/2020 đạt 421.000 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tôm sú ước đạt 156.000 tấn bằng 101% so với cùng kỳ, tôm thẻ chân trắng đạt 265.000 tấn, bằng 108,9% so với cùng kỳ năm 2019
Đối với cá tra, diện tích thả nuôi 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4.616 ha bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thu hoạch đạt 1.788 ha, bằng 82,66% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 725.500 tấn, bằng 89,7% so với cùng kỳ.
Theo thống kê sơ sộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2020 đạt trên 994 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó riêng tháng 7/2020 đạt 149,07 triệu USD, tăng 3,9% so với tháng 6/2020 nhưng giảm 13,6% so với tháng 7/2019.
Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ một số thị trường chính 7 tháng đầu năm 2020
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Xuất khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường chính 7 tháng đầu năm 2020
Dự báo
Với tình hình như hiện nay, xuất khẩu cá tra năm 2020 có thể chỉ đạt 1,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu là trên 2 tỷ USD hồi đầu năm nay. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể tăng vào các tháng cuối năm do chính sách mở cửa nền kinh tế, chuỗi nhà hàng đã dần khôi phục.
Dự báo, tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến khó lường và diễn ra sớm hơn dự báo; giá tôm thương phẩm sẽ có những biến động trong thời gian tới.
VASEP dự báo, trong quý 3/2020, tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ không cao bằng quý 2/2020, bởi Ấn Độ và Ecuador chuyển hướng tăng xuất khẩu sang Mỹ vì gặp khó ở Trung Quốc (chậm thông quan và gặp vấn đề trong vệ sinh... ). Tuy nhiên, với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu mặt hàng tôm (cạnh tranh với Việt Nam) như: Indonesia, Thái Lan, Ecuardo, Ấn Độ... khiến hoạt động đánh bắt và xuất khẩu bị hạn chế, trong khi Việt Nam lại kiểm soát rất tốt dịch bệnh nên các hoạt động sản xuất vẫn duy trì. VASEP dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm có khả năng sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD.

Nguồn:VITIC