menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều giải pháp xúc tiến thương mại vào thị trường EU

09:04 27/08/2019

Vinanet - Theo Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ đem lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các DN xuất khẩu (XK).
Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa các DN còn cần phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại.
Thuận lợi và khó khăn
Theo nhận định của Bộ Công Thương, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ EVFTA được ký kết sẽ tạo một cú hích lớn cho tăng trưởng XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đi cùng với EVFTA là Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), với thị trường mở cửa và thông thoáng hơn, các DN châu Âu sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện để các DN Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các máy móc, thiết bị, công nghệ/ kỹ thuật cao từ EU với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm XK của mình. Đây là động lực quan trọng để các bộ ngành, địa phương và cộng đồng DN Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm XK sang EU, đặc biệt là những mặt hàng XK chủ lực như thủy sản, rau hoa quả, nông sản chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày…
Bên cạnh đó, các nước thuộc EU có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao và tương đối đồng đều, đã định hình một thị trường chung với hạ tầng thương mại phát triển, các sự kiện XTTM diễn ra tại các nước EU luôn có quy mô hàng đầu, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ các châu lục khác. Do vậy, việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động XTTM tại các nước EU được đánh giá là rất thuận lợi và gia tăng được hiệu quả khi thực hiện ở một nước nhưng có thể từ đó dễ dàng tiếp cận với các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng của không chỉ các nước thành viên EU mà còn nhiều khu vực thị trường khác trên thế giới.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc XTTM vào thị trường EU cũng gặp một số khó khăn vì EU là một thị trường lớn nhưng khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt và khắc khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường… trong khi không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.. Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong những năm qua, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động XTTM hỗ trợ DN tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh XK sang thị trường EU. Trong đó, về kinh phí, trong khuôn khổ Chương trình XTTM quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động XTTM trên thị trường EU.
Về hình thức XTTM, hàng năm Bộ Công Thương đã trực tiếp hỗ trợ DN tham gia hoặc hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM lựa chọn các hội chợ, triển lãm, sự kiện XTTM chuyên ngành lớn, có uy tín tại thị trường Châu Âu để xây dựng đề án XTTM quốc gia, tổ chức cho DN tham gia. Việc tham dự những hội chợ có uy tín, lớn hàng đầu thế giới ở châu Âu liên tục, hàng năm giúp các DN đạt kết quả ngay tại sự kiện như các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành nông thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến tại Pháp, Đức, Bỉ; chuyên ngành dệt may, da giày tại Ý…
Ngoài các hoạt động XTTM phát triển thị trường, Cục XTTM đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, thương vụ Việt Nam ở EU thực hiện các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế....Đồng thời chú trọng đẩy mạnh hợp tác với thương vụ, đại sứ quán, các tổ chức XTTM của các nước trong khối EU như Pháp, Ý, Hungary nhằm kết nối thông tin, trao đổi nhu cầu xuất nhập khẩu của DN các bên; phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại thị trường Châu Âu giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiềm năng, DN uy tín của Việt Nam tới các đối tác sở tại. Các hoạt động này đã góp phần khích lệ, tạo động lực cho cộng đồng DN hai bên trong việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của DN, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và các nước EU theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, theo Cục Xúc tiến thương mại, để công tác XTTM đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các DN ngoài những hỗ trợ của nhà nước, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu...
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần đầu tư phát triển sản phẩm đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của EU cũng như chuẩn bị kỹ kế hoạch XK cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu. Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Cùng với việc nâng cao chất lượng phải cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Ngoài ra, các DN cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM đảm bảo hoạt động XTTM sát thực, khả thi, hiệu quả. Chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho XTTM trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác XTTM nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường EU...
Nguồn: Baohaiquan.vn