menu search
Đóng menu
Đóng

Tìm cách tăng xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản

22:47 15/06/2017

Vinanet - Trong năm tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng mạnh trở lại, trong đó có thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, mức thuế chưa hợp lý khi xuất sang Nhật Bản buộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và doanh nghiệp tìm giải pháp để tăng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng của năm 2017 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 10,5% so với cùng kỳ. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành.

Một trong những điểm sáng là xuất khẩu mặt hàng cá ngừ hồi phục trở lại và đạt giá trị xuất khẩu 216 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá trị tăng là nhờ vào hai mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp và cá ngừ đông lạnh, còn cá ngừ dùng để làm các món ăn sushi không đáng kể.

Theo VASEP, Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của cá ngừ Việt Nam là đang bị áp thuế cao hơn các nước trong khu vực là Thái Lan và Philippines.

Vì thế, VASEP đã có công văn 15/2017/CV-VASEP gửi Bộ Công Thương kiến nghị bộ làm việc với phía Nhật Bản để đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam về 0% như hai quốc gia nói trên. Hiện tại, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang chịu mức thuế 6,4% tại thị trường Nhật Bản và mức thuế này, theo VASEP, khiến cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan.

Thời gian qua, đã có doanh nghiệp tiếp cận thị trường Nhật Bản theo cách khác, đó là đưa cá ngừ nguyên con sau khi đánh bắt sang thị trường này để đấu giá ở Trung tâm đấu giá Osaka. Cụ thể, vừa qua, Công ty cổ phần thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã đưa lô hàng 7 con cá ngừ đại dương, với tổng trọng lượng là 320 ký sang đấu giá tại Trung tâm đấu giá này.

Theo Bộ NN&PTNT, cá ngừ đại dương là một trong những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Vì thế, cùng với cá tra, tôm, cá ngừ được xem là một trong những sản phẩm quốc gia đối với ngành thủy sản. Vì thế, năm 2014, bộ đã có Quyết định số 3465/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Cuối tháng 5/2016, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tổng kết hai năm thực hiện đề án này. Theo đánh giá của bộ, về cơ bản đã tạo được liên kết theo chuỗi giữ ngư dân, doanh nghiệp tạo thành chuỗi từ khai thác, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, khó khăn là do phía doanh nghiệp vẫn chọn hình thức mua cả lô hàng với một mức giá cố định, thay vì phân loại để mua với những mức giá khác nhau. Vì thế, ngư dân ngần ngại trong việc đầu tư, cải tiến công nghệ khai thác, bảo quản mà chạy theo số lượng đánh bắt.

Nguồn: thesaigontimes.vn