menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam đã bỏ lỡ 23,6 tỉ USD xuất khẩu cho thị trường Halal

08:28 18/09/2019

Vinanet - Thống kê gần đây nhất cho thấy, cung ứng của Việt Nam về sản phẩm tiềm năng cho Halal là 10,5 tỉ USD, còn thấp so với nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cần cho các sản phẩm mà Việt Nam có thể xuất khẩu là 34,1 tỉ USD.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, thực phẩm và các sản phẩm đạt chứng nhận Halal có ý nghĩa rất đặc biệt cho việc kinh doanh tại các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có công dân theo đạo Hồi.
Logo chứng nhận đạt chuẩn Halal trên sản phẩm như là một bằng chứng về niềm tin mà theo đạo Hồi có nghĩa là được phép sử dụng. Chứng nhận Halal có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng vì nó không chỉ đạt những yêu cầu về mặt tôn giáo mà còn tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Người theo đạo Hồi chỉ sử dụng những sản phẩm đạt chứng nhận Halal.
Theo số liệu thống kê có trên thế giới có gần 1,8 tỷ người Hồi giáo, chiếm tỷ lệ khoảng 23% dân số thế giới. Dân số theo đạo Hồi chiếm tỷ lệ đa số ở các quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Brunei, Ả Rập, UAE và các nước Trung Đông, nhưng chỉ có một số ít quốc gia có sản xuất các sản phẩm Halal.
Do đó, dư địa của ngành công nghiệp Halal là còn rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khai thác khoảng trống thị trường này, vì đây là chìa khoá để mở cánh cửa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo và các nước có công dân theo đạo Hồi, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Ramlan Osman, Giám đốc kinh doanh Việt Nam Halal Center cho biết, ngành công nghiệp liên quan đến Halal không chỉ là có thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn, mà còn có các nguyên vật liệu để chế biến; mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và sức khỏe; dịch vụ hậu cần; dịch vụ nhà hàng, khách sạn… theo tiêu chuẩn phục vụngười Hồi giáo, thị trường Halal.
Trong 1,8 tỷ người trên thế giới châu Á có 1 tỷ người, riêng khu vực Đông Nam Á là 230 triệu người. Nhóm 4 quốc gia – thị trường Hồi giáo đang phát triển là Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh có hơn 700 triệu người tiêu dùng. Dân số cộng đồng Hồi giáo toàn cầu sẽ tăng, dự báo đến 27% vào năm 2050 với khả năng tiêu thụ sản phẩm Halal vào khoảng 15 nghìn tỷ USD.
Nhiều nước đang chuyển biến nhanh để nắm bắt cơ hội từ thị trường Halal, trong 7 nước đang sản xuất nhiều nhất hướng tới thị trường Halah chỉ có 2 nước Hồi giáo là Malaysia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), 5 nước còn lại đã tham gia vào thị trường Halal nắm bắt thời cơ.
Trong đó, Malaysia chuẩn bị Kế hoạch tổng thể nền công nghiệp Halal 2.0 hướng tới một Malaysia Halal rõ ràng, nổi bật và toàn cầu hóa. UAE đang hướng tới trở thành trung tâm kinh tế Hồi giáo, tập trung vào tài chính Hồi giáo và Halal.
Hàn Quốc muốn trở thành một trong những điểm đến cho khách du lịch Hồi giáo. Australia là nhà cung ứng thịt bò Halal lớn nhất cho các quốc gia Trung Đông. Nhật Bản xác định thị trường Halal là nguồn đóng góp chính cho kinh tế Nhật Bản từ năm 2020 với Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 như một chất xúc tác.. Brazil là nhà cung cấp gia cầm Halal lớn nhất cho các quốc gia Trung Đông…
Theo ông Ramlan Osman, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế Halal. Với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng trung bình 6% đến 7% mỗi năm, Việt Nam có nền kinh tế nội địa mạnh mẽ cho sự phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu dồi dào nguyên vật liệu thô rất tiềm năng cho Halal bao gồm cà phê, gạo, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả… Việt Nam cũng được công nhận là một trong những điểm thu hút khách du lịch quốc tế hàng đầu hiện nay, cho thấy tiềm năng tương lai cho kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ theo tiêu chí Halal phát triển đáng kể.
Thống kê gần đây nhất cho thấy, cung ứng của Việt Nam về sản phẩm tiềm năng cho Halal là 10,5 tỷ USD, còn thấp so với nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cần cho các sản phẩm mà Việt Nam có thể xuất khẩu là 34,1 tỷ USD, như vậy Việt Nam đã bỏ lỡ 23,6 tỷ USD xuất khẩu cho thị trường Halal.
Theo Việt Nam Halal Center, 20 sản phẩm xuất khẩu tiềm năng Halal hàng đầu Việt Nam có thể kể đến là cà phê xanh, gạo, hạt điều, tiêu, trái cây tươi, sản phẩm từ cà phê, thực phẩm chế biến, cà phê rang, sắn khô, các loại hạt, trái cây chế biến, bánh ngọt, trà, các loại bánh kẹo, thức ăn gia súc, mật ong tự nhiên, quế, đồ uống không cồn, bột mì và nước trái cây.
Nguồn: Vietnambiz