menu search
Đóng menu
Đóng

Chợ phiên nông sản cho tiểu thương

12:02 13/09/2015

 Lần đầu tiên tại TP.HCM, “Chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch”, diễn ra trong hai ngày 12 và 13-9, dành cho khách mời là 1.000 tiểu thương ở các chợ trong TP đã thu hút sự quan tâm của nhiều tiểu thương.
Không ít nông sản Việt rớt giá thê thảm tại vườn nhưng đến tay người tiêu dùng giá cứ cao chót vót do qua nhiều tầng nấc, hoặc nông sản không tìm được đầu ra phải bán đổ bán tháo là chuyện tái diễn hằng năm.

Tuy nhiên với sự kết nối này, nhiều nhà cung cấp hi vọng việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản sẽ thuận buồm xuôi gió hơn trước.

Nỗi lòng nhà vườn

Theo thông báo, chợ phiên sẽ được mở cửa lúc 9g sáng 12-9, nhưng từ hơn 7g trước cửa địa điểm tổ chức là Nhà triển lãm TP.HCM, rất đông người tiêu dùng đã có mặt, trong đó chủ yếu là các tiểu thương.

Chị Loan, tiểu thương kinh doanh hàng quần áo chợ Đa Kao (Q.1), cho biết cùng nhóm tiểu thương trong chợ rủ nhau đón taxi lên đây, vừa giao lưu, trao đổi để biết thêm hàng hóa vừa tranh thủ mua ít rau. Từng bó rau tươi xanh, trái nho căng giòn... nhanh chóng hấp dẫn người mua.

Ban tổ chức phải vất vả mới làm “giảm nhiệt” vì còn phải để dành hàng cho người tham quan. Chợ phiên còn kéo dài đến hết ngày 13-9.

Ông Lê Hoàng Dũng, phó giám đốc Hợp tác xã xà lách xoong an toàn Thuận An (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), cho biết từ năm ngoái hợp tác xã đã làm được quy trình VietGAP, sẵn sàng cung ứng thị trường rau sạch nhưng mọi thứ không đơn giản như mình nghĩ.

Rau sạch là loại rau phải chăm sóc đúng quy trình, thu hoạch xong phải sơ chế nhặt lá, loại bỏ rau xấu, rửa sạch và xử lý ozone... rồi mới đóng gói. Với các bước này, một ký rau sau khi được xử lý chỉ còn 600 - 700g.

Trên thị trường giá xà lách xoong rau thô giao các tiểu thương chỉ 20.000 đồng/kg, nhưng rau sạch phải 40.000 đồng/kg, chính vì chênh lệch giá gấp đôi này mà rau sạch của hợp tác xã không có đường tiêu thụ, tiểu thương chê giá cao quá, không nhận hàng nên hợp tác xã đành quay về bán rau thô, giá rẻ.

“Năng lực của hợp tác xã có thể cung ứng được khoảng 200kg rau xà lách xoong ra thị trường mỗi ngày và con số này có thể tăng lên nếu nhu cầu tăng, nhưng hiện nay chúng tôi đành bất lực không bán được ký rau sạch nào” - ông Dũng cho biết.

Thế nhưng sáng 12-9, tại Chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch, rau xà lách xoong của hợp tác xã bán chạy như tôm tươi.

Từng bịch xà lách xoong sạch được người tiêu dùng trong đó phần lớn là tiểu thương giành nhau mua.

Có khách mua xong, về nhà thấy nấu ăn ngon quá quay lại mua tiếp, mà muốn mua bằng hết làm người bán cũng hết hồn... tưởng chị này đi gom rau. Khách mua cười hề hề giải thích “mua về trữ ăn dần chớ không buôn bán gì”.

Chị Oanh, tiểu thương chạp phô, rau củ quả chợ Hòa Hưng (Q.10), cho biết buôn bán ngành hàng này đã lâu nhưng bản thân tiểu thương đôi lúc cũng không tin vào nguồn hàng, làm sao phân biệt được rau sạch, rau an toàn hay không.

Thông qua các buổi kết nối như vậy, tiểu thương hiểu hơn quy trình sản xuất, người trồng nông sản... nếu nhập hàng về bán, giới thiệu chị em đi mua cũng tự tin hơn.

Thực tế có rất nhiều nông sản Việt bán rất tốt ở siêu thị, nhưng cứ ra chợ là mất giá, thất bại là do thiếu sự kết nối giữa nhà vườn và người bán.

Biết quy trình sản xuất, an tâm về chất lượng

Ông Sơn Minh Thành, giám đốc Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu, nói mùa hành đã qua, đang vào mùa tỏi nên lần này hợp tác xã chỉ đi giới thiệu mặt hàng tỏi và ớt, tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản.

Tỏi Vĩnh Châu đang vất vả cạnh tranh với tỏi Trung Quốc do chi phí sản xuất cao hơn dù chất lượng thơm, ngon hơn hẳn. Hiện tỏi Trung Quốc chỉ có 30.000 - 35.000 đồng/kg trong khi tỏi Vĩnh Châu đến tay người tiêu dùng có giá 100.000 đồng/kg.

Nhưng trong sáng 12-9, rất nhiều tiểu thương đến mua và tiếp xúc muốn mua hàng của hợp tác xã. Tỏi là một trong nhiều mặt hàng nông sản VN đang bị “mang tiếng” vì thật giả lẫn lộn giữa tỏi VN và tỏi Trung Quốc.

Các tiểu thương cũng muốn bán tỏi chất lượng, nhưng bản thân họ không tìm được nguồn hàng nên khi biết tỏi sạch Vĩnh Châu dù giá cao họ liền mua ăn thử và xin địa chỉ liên lạc bàn chuyện đặt hàng.

“Để thuyết phục được người tiêu dùng, chỉ có cách tiếp xúc với họ thật nhiều, cho người tiêu dùng thấy quy trình trồng sản phẩm sạch, yên tâm về chất lượng” - ông Thành chia sẻ.

Tham gia phiên chợ, không chỉ mong được bán hàng cho càng nhiều tiểu thương, hợp tác xã cũng mong quảng bá vừa tiếp xúc với người tiêu dùng, bước đầu đưa hàng vào siêu thị.

Bên cạnh hành, rau củ quả, chợ phiên còn có sự tham gia của một số CLB đặc sản các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Bến Tre, Đồng Tháp và CLB sáng tạo khởi nghiệp với các sản phẩm phong phú như kiệu, đậu phộng, cá cơm rim Đồng Tháp, nho Ninh Thuận...

Bớt trung gian, giá sẽ giảm

Nhiều nhà vườn cho biết họ chỉ bán được nông sản qua thương lái mà không hề biết được giá nông sản của mình đến tay người tiêu dùng như thế nào.

Nếu kết nối được với tiểu thương, bỏ bớt trung gian, giá bán đến tay người tiêu dùng chắc chắn sẽ giảm.

Chưa kể khi qua nhiều tầng nấc như trước đây, không ít nông sản Việt bị trà trộn với hàng kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng, nếu rút bỏ bớt trung gian sẽ loại bỏ được rủi ro này.

Thông qua những buổi kết nối, tiểu thương mỗi chợ sẽ cùng gom “đơn hàng” rồi đặt hàng trực tiếp cho nhà vườn. Nhà vườn cung ứng trực tiếp hoặc thông qua chành để vận chuyển hàng về chợ, bỏ được tầng nấc thương lái.

Anh Trần Minh Tân - chủ nhiệm tổ hợp tác thanh niên chuyên sản xuất dưa kiệu, Đồng Tháp - cho biết qua nhiều lần tiếp xúc với các tiểu thương, hợp tác xã quảng bá được sản phẩm kiệu sạch với hương vị thơm ngon, đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Quan trọng hơn, hợp tác xã ký hợp đồng sẽ cung ứng kiệu cho tiểu thương một số chợ ở TP.HCM vào mùa tết sắp tới, bao luôn giá không tăng từ nay đến lúc cao điểm tết.

“Thậm chí, tôi cũng tính luôn tiền lời trên mỗi lọ kiệu, nếu giao hàng thiếu thì hợp tác xã sẽ bồi thường dựa trên tiền lời của số hàng thiếu đó” - anh Tân nói.

Điều này vừa đảm bảo đầu ra cho người nông dân, vừa giúp người bán an tâm sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Lê Thanh Phương, đại diện Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đơn vị tổ chức chợ phiên, tiểu thương là một đầu mối quan trọng trong chuỗi phân phối các sản phẩm này.

Nhiều nhà vườn đầu tư quy trình sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không tìm được đầu ra, và nếu không bán được hàng sẽ không thể nào khuyến khích được họ theo đuổi mô hình này.

Kết nối nhà vườn với tiểu thương là hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, đồng thời tạo cầu nối gia tăng sức cạnh tranh của chuỗi chợ truyền thống.

Hàng vào chợ cũng đảm bảo chất lượng cao

Chị Loan, tiểu thương kinh doanh quần áo chợ Đa Kao (Q.1), cho biết chị thường gặp nhân viên tiếp thị, thỉnh thoảng cũng phản ánh lại mẫu nào bán chạy, mẫu nào không, khắc phục cái gì hay sản phẩm nào cao giá quá... Nhưng để gặp gỡ trực tiếp nhà sản xuất là rất hiếm.

Theo ban tổ chức, 1.000 tiểu thương các chợ được mời đến để chứng minh cho họ thấy nhiều sản phẩm nông sản Việt đang rất được ưa chuộng, vấn đề là người tiêu dùng chưa có niềm tin khi mua hàng ở chợ.

Trong chương trình cũng có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết mỗi khi cho ra sản phẩm mới thường bị đánh đồng là hàng nhái do không có kinh phí quảng bá.

Tăng kết nối với tiểu thương cũng là cách giúp các doanh nghiệp này có cơ hội phát triển thị trường.


Theo Như Bình

Tuổi trẻ

Nguồn:Tuổi trẻ