menu search
Đóng menu
Đóng

Quan hệ Việt Nam-EU: 25 năm phát triển và bứt phá

08:40 27/01/2015

Cùng với việc ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với EU (4/10/2010), những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Việt Nam cũng đã hoàn tất việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 6 nước thành viên EU gồm: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Italia. Quan hệ thương mại Việt Nam- EU vì vậy có điều kiện thuận lợi để tiếp tục có những bứt phá vững chắc.

Phía trước là Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA)

Cùng với việc ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với EU (4/10/2010), những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Việt Nam cũng đã hoàn tất việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 6 nước thành viên EU gồm: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Italia. Quan hệ thương mại Việt Nam- EU vì vậy có điều kiện thuận lợi để tiếp tục có những bứt phá vững chắc.

Nếu năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 24,29 tỷ USD, tăng gần 7 tỷ USD so với năm 2010, thì năm 2013 chỉ số đó là 26,6 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2012. EU không chỉ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai mà lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2012, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 21,3 tỷ USD, nhập khẩu từ EU 5,3 tỷ USD. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến hết năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều ước tính đạt 36,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 27,9 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013. Về đầu tư nước ngoài, đến tháng 12 năm 2014, đã có 23 trong số 28 quốc gia thành viên của EU tham gia với 1.566 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn lũy kế đăng ký là trên 19,1 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, thông tin truyền thông… Riêng năm 2013, số vốn FDI cam kết của EU với Việt Nam là trên 656 triệu USD và đứng thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Giai đoạn 2014-2020, EU cam kết viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro, tăng 30% giai đoạn 2007 - 2013 và tập trung vào hai lĩnh vực năng lượng bền vững và quản trị quốc gia…

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quan hệ thương mại, 4 năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và EU cũng sôi động hơn, thể hiện qua những chuyến thăm, làm việc của các lãnh đạo cấp cao mỗi bên. Tháng 11/2012, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thăm Việt Nam, tháng 8/2014, Phó Chủ tịch EC- Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Katherine Ashton đến Hà Nội. Cũng tháng 8/2014 Chủ tịch EC- Manuel Barroso đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần thứ 2 (lần thứ nhất tháng 11/2007) người đứng đầu EC đến thăm Việt Nam. Về phía Việt Nam, lần lượt vào các tháng 10/2010, tháng 12/2011 và tháng 1/2013 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các chuyến thăm chính thức và tiến hành nhiều cuộc hội đàm quan trọng với lãnh đạo, giới chức EU. Mới đây nhất, từ ngày 12 đến 18/10/2014 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm và làm việc tại các quốc gia Đức, Bỉ, Italia, Tòa thánh Vatican, Liên minh châu Âu và dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM-10) diễn ra ở Thành phố Milan (Italia). Đây là một dấu mốc quan trọng ở tầm cao mới trong quan hệ song phương và đa phương giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và ASEM bởi ASEM chính là một sân chơi quốc tế lớn góp phần thúc đẩy và định hình hòa bình, ổn định, phồn vinh không chỉ riêng với châu Á, châu Âu mà với cả thế giới trong thế kỷ XXI này.

Tại các cuộc hội đàm song phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và những người đứng đầu Chính phủ các nước Đức, Bỉ, Italia cũng như EU đều đánh giá cao thành tựu đã đạt được trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ cốt lõi này tiếp tục tạo ra bước đột phá mới và tiến xa hơn nữa để tương xứng với tiềm năng cũng như nội lực của mỗi bên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và người đứng đầu Chính phủ các nước và EU còn đề cập và cùng chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế như vấn đề biển đông những năm gần đây. Tại diễn đàn ASEM-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khảng khái: “…Năm 2014 bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, các hành động khủng bố và tranh chấp lãnh thổ diễn biến rất phức tạp và quy mô lan rộng, các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn. Lòng tin giữa nhiều quốc gia suy giảm. Các nước phát triển vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh và phát triển. Nhu cầu hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”…

Về quan hệ hợp tác, phát triển giữa Việt Nam- EU trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các nước Đức, Bỉ, Italia cũng như EU đều bày tỏ quyết tâm và mong sớm đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vốn đã được hai bên tiến hành đàm phán từ năm 2012.

Rồi đây, khi EVFTA được ký kết, các nội dung quan trọng của Hiệp định cũng như cơ hội và lợi ích đem lại cho cả Việt Nam-EU sẽ được công bố và truyền tải rộng rãi. Tuy nhiên, như những gì mà đại diện Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đưa ra tại Hội thảo “Thị trường EU- Cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” do Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội ngày ngày 24/9/2014 thì: Khi EVFTA được ký kết và được thực hiện sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng từ 10-15%. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng từ 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ tăng từ 20-25%.

Như vậy, EVFTA sẽ tạo ra cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam và EU: Win Win! (cùng thắng).

Theo các chuyên gia đàm phán của Việt Nam và EU thì vấn đề ký kết EVFTA chỉ còn là thời gian và sẽ diễn ra trong năm 2015 này! Nếu vậy, một sự trùng hợp ngẫu nhiên của vòng quay bánh xe lịch sử quan hệ hợp tác, phát triển Việt Nam-EU hay đó là mong muốn của cả hai bên mà các dấu mốc quan trọng từ trước đến nay đều được ấn định vào các năm đầu hoặc năm giữa của một thập niên? Thật ý nghĩa và thú vị! Đây thực sự là một tín hiệu vui mới đối với hơn 90 triệu người Việt Nam cũng như với các quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu.

Nguồn: Báo Công thương điện tử

Nguồn:Vinanet