menu search
Đóng menu
Đóng

Triển vọng hợp tác đầu tư Việt Nam-Châu Phi

09:41 12/01/2012
Với những tiềm năng về tài nguyên khoáng sản phong phú và lợi thế về nhân công, thuế suất ưu đãi của các nước châu Phi, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường này trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
Với những tiềm năng về tài nguyên khoáng sản phong phú và lợi thế về nhân công, thuế suất ưu đãi của các nước châu Phi, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường này trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Về đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam tại Châu Phi, nổi bật nhất là hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Đến nay, PetroVietnam đã triển khai các dự án hợp tác về dầu khí với An-giê-ri, Công-gô, Ca-mơ-run, Ma-đa-gaxca, Tuy-ni-di, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la, Xu-đăng…với 12 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 776,45 triệu USD.
 
Ngoài năng lượng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư tại Châu Phi. Tập đoàn Vinashin đã thành lập và vận hành xí nghiệp lắp ráp xe máy với 100% vốn của phía Việt Nam tại Mali. Đầu năm 2011, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Vietel) cũng đã nhận được giấy phép đầu tư tại Mô-dăm-bích và đang triển khai hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng viễn thông. Gần đây nhất, Tập đoàn FPT đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty 21st Century Technologies (Nigeria) hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của mình là viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TFF) cũng vừa kết thúc khóa đào tạo đầu tiên cho 21 học viên Nam Phi tại Trung tâm Đào tạo chế biến gỗ ở Đắk Lắk. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ liên kết hợp tác đầu tư của TFF với Nam Phi trong việc xây dựng nhà máy chế biến gỗ, trồng rừng nguyên liệu, mở showroom trưng bày sản phẩm gỗ tại quốc gia này.
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 13/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 70/2011/QĐ-TTg ban hành Quy định về một số cơ chế, chính sách hợp tác nông nghiệp với các nước Châu Phi giai đoạn 2012-2020 trong đó có quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam vào Châu Phi trong lĩnh vực này.
 
Sau khi có thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Châu Phi, Công ty Long Vân 28 (TPHCM), từng hợp tác với Công ty TNHH Phát triển nông thủy sản Việt Phi (VAADCO) trong việc trồng lúa nước ở một số nước Châu Phi cho biết, sẽ lên kế hoạch vay tiền từ Chính phủ để đầu tư sản xuất lúa nước ở Sierra Leone với diện tích vào khoảng 200.000 héc ta. Theo tính toán của công ty này thì diện tích trồng lúa tại Sierra Leone có thể làm ra 5,4 triệu tấn gạo/năm, sau khi cung cấp cho thị trường nội địa, có thể xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo mỗi năm.
 
Theo Công ty TNHH Phát triển nông thủy sản Việt Phi (VAADCO) thực chất Châu Phi có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nhiều quốc gia ở Châu Phi sẵn sàng trả lương cao cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. Theo kế hoạch, ngày 29/12/2011, công ty VAADCO đưa một đoàn chuyên gia sang Nigeria để khảo sát một số địa phương nước này để trồng lúa nước. Kế hoạch mà VAADCO giao cho nhóm chuyên gia đến cuối năm 2012 là phải có được 5 héc ta lúa để làm giống cho 1.000 héc ta mà công ty sẽ trồng vào năm 2013.
 
Ngoài việc kêu gọi đầu tư vào làm lúa nước thì nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản cũng là một trong những lĩnh vực tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp khi đầu tư vào đây. Hiện Sudan đang có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Hiệp hội điều Việt Nam cũng cho biết một số doanh nghiệp hội viên đang muốn đầu tư vào sản xuất và chế biến điều nhân ở một số nước Châu Phi chuyên cung cấp hạt điều thô cho Việt Nam như Bờ Biển Ngà, Nigeria. Hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà, lĩnh vực mà quốc gia này kêu gọi đầu tư là chế biến hạt điều. Sản lượng điều thô của Bờ Biển Ngà vào khoảng 400.000 tấn/năm, nhưng công suất chế biến mới chỉ đạt 3%.
 
Hầu hết các quốc gia Châu Phi đều có những chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư ở mọi lĩnh vực. Những ưu đãi về vay vốn đầu tư, giảm thuế, đơn giản thủ tục đầu tư, cam kết không quốc hữu hóa tài sản... được các quốc gia áp dụng phổ biến.
 
Về đầu tư của các nước Châu Phi vào Việt Nam, trên tổng số 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI vào nước ta thì Châu Phi hiện có 6 quốc gia với 13 dự án, tổng vốn đầu tư là 11,48 triệu USD. Đó là CH Seychelles, Ma-rốc, Nigeria, Guinea Bissau, Maurice và Nam Phi. Đầu tư của các nước Châu Phi chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, hoạt động khoa học công nghệ, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và nhà hàng.
 
Nguồn :ttnn.com.vn

Nguồn:Vinanet