menu search
Đóng menu
Đóng

Âu lo khi nhập khẩu than, khí ngày càng tăng

09:08 26/09/2020

Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dần cạn kiệt đã đẩy Việt Nam vào tình thế ngày càng phụ thuộc nguồn NK, đặc biệt là than, khí. Điều này đặt ra không ít nỗi lo giảm tính tự chủ trong đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.
Nhập khẩu vượt xa dự tính
Tại hội thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đánh giá: Tỷ lệ phụ thuộc năng lượng NK của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây do sản lượng XK giảm mạnh và NK than tăng mạnh.
Trên thực tế, từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước NK tịnh năng lượng với khối lượng NK than ngày càng tăng, đặc biệt từ các nước có tiềm năng phong phú các loại than lò hơi (than bitum, á bitum), phù hợp với các nhà máy nhiệt điện như Indonesia, Australia và Nga.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm nay đến hết ngày 15/9, Việt Nam đã NK trên 42,5 triệu tấn than với tổng trị giá trên 2,94 tỷ USD. Con số này chỉ kém một ít so với lượng NK gần 43,8 triệu tấn than của cả năm 2019.
Theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 (theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016), nhu cầu than của cả nước trong năm nay lên đến 86,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn; xi măng 6,2 triệu tấn; phân bón, hóa chất 5 triệu tấn; luyện kim 5,3 triệu tấn; các đối tượng khác 5,8 triệu tấn. Bản Quy hoạch trên cũng nêu rõ, sản lượng khai thác than trong nước năm nay ước tính đạt từ 47-50 triệu tấn. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu, trong năm 2020 Việt Nam phải NK từ 36,4-39,4 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, tính trung bình Việt Nam NK trên 5 triệu tấn than mỗi tháng. Nếu vẫn duy trì con số NK bình quân này, dự tính sản lượng than NK cả năm khoảng hơn 60 triệu tấn, vượt xa dự tính.
Tương tự, câu chuyện về khí cũng đi theo chiều hướng dần phụ thuộc NK. Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2010-2019, sản lượng khí khai thác về bờ phục vụ cho các hộ tiêu thụ luôn duy trì mức 8,5-10,2 tỷ m3 khí/năm. Sản lượng khí này đến nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Theo kế hoạch các mỏ khí lớn như Cá Voi Xanh được đưa vào khai thác từ năm 2024, mỏ khí Lô B đưa vào khai thác từ năm 2023 thì sản lượng khí khai thác về bờ từ năm 2020-2030 được duy trì ở mức từ 11-16 tỷ m3/năm.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nhà máy điện khí tới năm 2030 của Việt Nam đạt trên 27.000 MW. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022 (sản lượng khí Đông Nam Bộ sẽ suy giảm rất nhanh từ mức 11 tỷ m3 năm 2022 giảm xuống còn gần 3 tỷ m3 năm 2030), Việt Nam sẽ phải NK khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho sản xuất điện. Lượng LNG NK ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Lo giảm tính tự chủ
Liên quan tới vấn đề NK năng lượng, chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng cuối tháng 7 vừa qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, hiện các nguồn cung trong nước đang không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến NK năng lượng ngày càng lớn. Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt. Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành. Mức độ tăng than và khí NK trong thời gian tới sẽ là một sức ép.
Theo tính toán, xu hướng NK năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỷ lệ phụ thuộc NK năng lượng sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035. Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước.
Một số chuyên gia nhìn nhận, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc ngày càng phải NK các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ giảm khả năng tự chủ về năng lượng của Việt Nam và tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Để đảm bảo an ninh năng lượng, một mặt cần tìm kiếm các nguồn NK với chi phí hợp lý và ổn định, mặt khác, cần đầu tư có trọng điểm cho việc khai thác các nguồn năng lượng trong nước.
Bên cạnh âu lo về giảm tính tự chủ, từ góc độ tập đoàn năng lượng, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bày tỏ quan điểm, để đảm bảo an ninh năng lượng thì nguồn và hạ tầng NK năng lượng cần hết sức quan tâm.
"Với khí hiện nay mới đang cung cấp phần lớn cho phát điện. Hệ thống phân phối khí tách biệt, hầu như không liên kết. Nếu thời gian tới xem xét cung cấp khí cho khu công nghiệp, các năng lượng khác thì có đường trộn và phân phối khí như các nước phát triển hay không? Về NK LNG) thì từ trước tới nay Việt Nam chưa có cảng LNG có quy mô. Với than nhu cầu NK rất lớn. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa có cảng trung chuyển than thực sự, việc phối trộn than để đảm bảo chất lượng đến nay cũng chưa đảm bảo... Thời gian tới phải xử lý những vấn đề này", lãnh đạo EVN nhấn mạnh.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc