Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá bán xăng dầu từ 15h00 chiều nay 27/6 như sau:
Giá bán xăng dầu
- Xăng E5RON92: tăng 868 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: tăng 893 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: tăng 599 đồng/lít;
- Dầu hỏa: tăng 428 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 581 đồng/kg.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 02/2020-6/2020
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 14.258 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 14.973 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 12.114 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 10.038 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 10.903 đồng/kg.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Liên Bộ Công thương - Tài chính cũng cho biết sẽ trích lập Quĩ Bình Ổn Giá đối với xăng E5RON92 ở mức 50 đồng/lít (kì trước là 100 đồng/lít), xăng RON95 trích lập 200 đồng/lít (bằng kì trước), dầu diesel ở mức 600 đồng/lít (kì trước 800 đồng/lít), dầu hỏa 300 đồng/lít (bằng kì trước) và dầu mazut 300 đồng/kg (kì trước 100 đồng/kg).
Liên Bộ cũng chỉ đạo chi sử dụng Quĩ Bình Ổn Giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 900 đồng/lít (kì trước chi 800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 550 đồng/lít (bằng kì trước), không tiếp tục chi Quĩ BOG đối với dầu mazut (kì trước chi 200 đồng/kg).
Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Quyết định về giá bán xăng dầu số 326/PLX-QĐ-TGĐ ngày 27.6.2020 đã được gửi đến tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex và báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu.
Kì này, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định điều hành các mặt hàng xăng dầu theo phương án đảm bảo giá xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới nhưng giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Liên Bộ Công thương – Tài chính sử dụng Quĩ Bình ổn giá để giảm mức tăng giá đối với các mặt hàng xăng dầu, đồng thời duy trì Quĩ Bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lí để có dư địa điều hành giá xăng dầu cho những kì tiếp theo trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp nhưng có xu hướng tăng.
Việc điều hành giá xăng dầu cũng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 do Quốc hội giao, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lí để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao những ngày qua là nguyên nhân khiến giá bán lẻ trong nước buộc phải điều chỉnh. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 15 ngày qua có lúc giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 gần 75 USD một thùng, RON 95 gần 76,43 USD một thùng, tăng 4-5% so với kỳ trước.
Cùng đó, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở cũng điều chỉnh nhẹ, theo công văn của Bộ Tài chính. Cụ thể, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền với xăng là 10%, dầu diesel 0,28%, dầu hoả 0,11%...
Tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn) để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở trong quý II lần lượt là 23,28% và 76,72%.
Giá ethanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5RON92 theo Công văn số 328/BTC-QLG ngày 02 tháng 4 năm 2019 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.725 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Trước đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết họ đang lỗ 300 - 500 đồng đối với xăng, trong khi giá xăng thế giới đang ở ngưỡng cao.
Với đợt tăng giá này, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có lần tăng giá thứ 2 kể từ đầu năm, và 6 đợt giữ nguyên giá bán, xả mạnh Quỹ bình ổn.
Hiện nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian cách li vì dịch bệnh COVID-19. Do đó, nhu cầu sử dụng xăng dầu tiếp tục tăng.