menu search
Đóng menu
Đóng

Indonesia hạ giá than tháng 7 và đưa ra dự báo về giá đến cuối năm

14:28 06/07/2020

Vinanet - Bộ Tài nguyên Năng lượng và Khoáng sản Indonesia ngày 3/7 đã hạ giá tham chiếu đối với mặt hàng than bán trong tháng 7/2020 xuống 52,16 USD/tấn, giảm 0,82 USD/tấn so với mức 52,98 USD/tấn của tháng 6/2020. Nguyên nhân do nhu cầu trên toàn cầu yếu trong khi nguồn cung than Indonesia đang dồi dào và tồn trữ than ở Ấn Độ và Trung Quốc đang khá cao.
Người phát ngôn của Bộ trên, ông Agung Pribadi cho biết, nhu cầu than có liên quan chặt chẽ tới dịch Covid-19, và giá than bắt đầu giảm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố đại dịch – giữa tháng 3/2020.
Giá than Indonesia đã tăng 0,28% trong tháng 3/2020 so với mức 66,89 USD/tấn của tháng 2/2020. Sau đó, giá giảm xuống 65,77 USD/tấn trong tháng 4/2020, giảm tiếp xuống 61,11 USD/tấn tháng 5/2020. Mức giá thấp nhất kể từ tháng 2/2016 là 50,92 USD/tấn.
Giá than được tính từ trung bình Chỉ số giá than Indonesia (Indonesian Coal Index - ICI), Chỉ số giá than xuất khẩu Newcastle (Newcastle Export Index - NEX), Chỉ số giá tha Newcastle toàn cầu (Global Coal Newcastle Index - GCNC), và chỉ số Platts 5900 của tháng liền trước. Than tính theo chỉ số này tương đương chất lượng 6322 kcal calo mỗi kg GAR. Giá này được sử dụng trong việc mua bán than giao ngay trong tháng liền sau (giá FOB).
Quan chức Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia dự báo giá than tại nước này sẽ giảm xuống còn 59 USD/tấn vào cuối năm 2020 do nhiều nguyên nhân, nhất là sự bùng phát của Covid-19.
Theo Bộ trưởng Johnson Pakpahan, giá than chịu áp lực bởi nguồn cung dư thừa vì dịch bệnh trên toàn cầu. Chủ tịch Viện Khoáng sản Indonesia, Irwandy Arif, dự báo giá than sẽ trong khoảng 60 đến 80 USD/tấn trong năm 2020. Chủ tịch Hiệp hội Khai mỏ Indonesia, Rizal Kasli, dự báo giá than 6 tháng cuối năm nay sẽ tăng nhẹ lên 65 USD/tấn, do các nhà sản xuất nước này cắt giảm sản lượng. Trong khi, Giám đốc điều hành của Hiệp hội khai thác than Indonesia Hendra Sinadia cho biết, trong quý II, đặc biệt là trong tháng 5/2020, sản lượng than vẫn dư cung do nhu cầu giảm mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiệp hội Khai thác than Trung Quốc cũng dự đoán nhu cầu trong quý II/2020 sẽ giảm, sau khi giảm khoảng 6,8% trong quý I/2020 do Covid-19. Thị trường Ấn Độ dự báo sẽ chứng kiến nhu cầu chậm từ nay đến cuối năm 2020.

Nguồn:VITIC/Theinsiderstories