menu search
Đóng menu
Đóng

Lô gạo thơm đầu tiên lên đường sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA

15:49 22/09/2020

Gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu (XK) vào Châu Âu (EU) khi mở rộng được hạn ngạch, hàng năm EU nhập khẩu gạo là 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro.

Lô gạo thơm đầu tiên lên đường sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường trao giấy Chứng nhận XK gạo thơm sang EU cho ông Huỳnh Văn Thòn, TGĐ tập đoàn Lộc Trời.
Ngày 22/9, tại An Giang, Cục Trồng trọt, Cục trưởng Cục chế biến và PTTT Nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UBND tỉnh An Giang phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg sẽ lên đường sang Italy (Ý) vào cuối tháng 9/2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao về cơ khí, máy móc, dược phẩm, nông sản ôn đới và chế biến mà Việt Nam có nhu cầu. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm nông sản nhiệt đới mà thị trường EU cần. Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU, trong đó vừa qua chúng ta chứng kiến các Lễ XK nông sản sang EU như: tôm nước lợ tại Ninh thuận ngày 11/9, cà phê, chanh leo tại Gia Lai ngày 16/9, trái cây tại Bến Tre ngày 17/9. Ước tính sơ bộ cho thấy giá trị xuất khẩu NLTS vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020.
Hàng năm Việt Nam XK từ 6,4 -7,0 triệu tấn gạo với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2019 chúng ta XK trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD, tám tháng đầu năm 2020, XK gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43% đến 46% tổng lượng gạo XK hàng năm với khoảng trên 3,0 triệu tấn.
Tuy nhiên, XK gạo vào EU 2019 của Việt Nam là 50 nghìn tấn gạo, đạt 28,5 triệu Euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; so với các nước ASEAN khác XK gạo của VN vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể XK ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, 2 nhà XK lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (2019); 150 Euro/tấn (2020) và 125 Euro/tấn (2021).
Trong 8 tháng đầu năm 2020 XK gạo đi Châu Âu đạt trên 15,8 nghìn tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Trong khi đó từ ngày 4/9 đến ngày 17/9, đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm. XK gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Doanh nghiệp cần cùng nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện XK như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc… để mở rộng thị trường sang EU.

Nguồn:tieudung.vn

Link gốc