menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường cao su tháng 9/2019: Giá trong nước và thế giới cùng xu hướng tăng

09:55 14/10/2019

Vinanet -Thị trường cao su trong nước và thế giới đồng loạt tăng. Hoạt động xuất khẩu trong tháng ảm đạm giảm cả lượng và trị giá; nhập khẩu lượng tăng nhưng kim ngạch sụt giảm.
Tháng 9/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đắk Lắk tăng. Cụ thể ngày 30/9/2019, giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 245 Đ/độ TSC và 250 Đ/độ TSC, giảm tới 25 Đ/độ TSC so với cuối tháng 8/2019.
Trước đó, ngày 3/9/2019, tại Đắk Lắk giá thu mua mủ nước tại vườn và tại nhà máy giảm 2 đồng/độ TSC so với ngày 10/9/2019, nhưng tăng 13 - 18 đồng/độ TSC so với cuối tháng 8/2019, giao dịch lần lượt ở mức 243 đồng/độ TSC và 258 đồn/độ TSC.
Từ đầu tháng 9/2019 đến nay, công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh trong tháng đã điều chỉnh giá thu mua mủ cao su tới 5 lần.
Giá thu mua mủ cao su của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh tháng 9/2019

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2019, xuất khẩu cao su đạt 72.110 tấn, trị giá 94,27 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 28,7% về trị giá so với 15 ngày trước đó; giảm 6,5% về lượng và giảm 4,9% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 9/2018.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2019, xuất khẩu cao su đạt 1,03 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu cao su trung bình 15 ngày đầu tháng 9/2019 ở mức 1.307 USD/tấn, giảm 2,4% so với mức giá xuất khẩu trung bình 15 ngày trước đó, nhưng tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung, 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su ước đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường, 8 tháng đầu năm 2019 cao su của Việt Nam được xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, các nước EU, Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc là thị trường có lượng cao su xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,84% tổng lượng xuất khẩu đạt 623,91 nghìn tấn, trị giá 842,94 triệu USD, tăng 11,30% về lượng và 9,47% trị giá, giá xuất trung bình 1351,05 USD/tấn, giảm 1,64% so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng tháng 8/2019, cũng đã xuất sang Trung Quốc 125,5 nghìn tấn, trị giá 166,12 triệu USD, tăng 12,48% về lượng và 8,22% trị giá, giá xuất bình quân 1322,78 USD/tấn, giảm 3,79% so với tháng 7/2019, nếu so sánh với tháng 8/2018 thì tăng 18,27% về lượng, 25,78% trị giá và 6,35% giá bình quân.
Sau thị trường Trung Quốc là Ấn Độ chiếm 8,35% đạt 80,39 nghìn tấn, trị giá 116,04 triệu USD, tăng 51,62% về lượng và 47,42% trị giá, giá xuất bình quân tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2018 đạt 1351,05 USD/tấn. Riêng tháng 8/2019 cũng đã xuất sang Ấn Độ 13,91 nghìn tấn, trị giá 20,66 triệu USD, giá bình quân 1485,01 USD/tấn, giảm 2,57% về lượng và giảm 3,23% trị giá, giá bình quân giảm 0,68% so với tháng 7/2019. Nếu so với tháng 8/2018 cũng đều sụt giảm cả về lượng và trị giá, tuy nhiên giá bình quân tăng 8,14%.
Ngoài những thị trường kể trên, Việt Nam còn xuất khẩu cao su sang các thị trường khác nữa như Mỹ, Đức, Pháp, Anh…
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tháng 8/2019

Ngược lại, tháng 9/2019 Việt Nam cũng phải nhập 65,1 nghìn tấn cao su, trị giá 100,2 triệu USD, tăng 1,5% về lượng nhưng giảm 3,9% trị giá so với tháng 8/2019.
Nâng lượng cao su nhập khẩu 9 tháng năm 2019 lên 502,2 nghìn tấn, trị giá 852,89 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 6,8% trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) biến động tăng trong tháng 9/2019 do đồng JPY giảm giá. Giá cao su kì hạn tại Thượng Hải tăng khi các nhà đầu tư tìm cách mua vào.
Giá cao su hợp đồng tiêu chuẩn giao tháng 2/2020 cuối phiên ngày 19/9 tăng 0,7 JPY (tương đương 0,4%) lên 171 JPY/kg, mức cao nhất gần 1 tháng nhờ được hỗ trợ bởi đồng JPY giảm so với đồng USD, tăng 8,1 JPY (tương đương 4,9%) so với phiên ngày 2/9.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển vọng thị trường cao su thời gian tới của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trước một số diễn biến tiêu cực trên thị trường thế giới như xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường có thể sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng và gián tiếp làm giảm nhu cầu về cao su tự nhiên.
Bên cạnh đó, ảnh hường từ việc Trung Quốc phá giá đồng CNY sẽ gián tiếp làm giảm giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Ngoài ra, một khó khăn khác là sức ép từ nguồn cung khi Indonesia và Malaysia đã hoàn tất chương trình cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên trong cam kết của Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), gồm Thái Lan, Indonesia, và Malaysia hồi tháng 3 để đẩy giá cao su tự nhiên trên thị trường quốc tế.
Dẫn nguồn tin từ tapchicaosu, diễn biến thị trường cao su luôn là mối quan tâm đặc biệt của không chỉ người trồng mà còn của người tiêu thụ cao su. Mới đây, một số chuyên gia từ các Hiệp hội đã có dự báo về giá cao su năm 2019. Cụ thể:
Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới dự báo tăng 5,8%
Dự báo đến từ ông Jom Jacob – Chuyên gia Kinh tế cao cấp Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) là tình hình cung cầu cùng với các yếu tố khác như đồng USD mạnh lên, tăng trưởng tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc chậm lại do chính sách thuế của Hoa Kỳ, sẽ không có lợi cho sự phục hồi giá cao su thiên nhiên trong năm 2019.
Tuy nhiên, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới dự báo tăng 5,8% lên 14,696 triệu tấn trong năm 2019 nếu giá cao su thiên nhiên tiếp tục ở mức hiện tại. Bên cạnh đó, tiêu thụ cao su thiên nhiên dự báo đạt 14,73 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2018. Dù vậy, diễn biến này có thể vẫn chưa đủ mạnh để tạo sự cân đối cung – cầu có lợi cho giá. Điều này được cho là kéo dài ít nhất cho tới năm 2021 – 2022.
“Giá có thể đạt 1,8 – 2 USD/kg vào năm 2025”
Ông Hidde Smit – Nguyên Tổng Thư ký Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) cho biết khả năng chênh lệch cung – cầu ngày càng gia tăng trong tương lai có thể bắt đầu thúc giá cao su thiên nhiên lên trong vòng 5 – 6 năm và giá tăng có thể sẽ tiếp tục vào những năm 2030. Tình hình dư thừa cao su hiện tại có thể sẽ chuyển sang thâm hụt với mức tiêu thụ giảm đi. Mặc dù điều này sẽ có tác động tích cực đến giá cao su nhưng không nhiều, có thể là 1,8 USD hay 2 USD/kg vào năm 2025 hoặc sau đó.
Theo ông Hidde Smit, nguồn cung cao su thiên nhiên trong dài hạn phụ thuộc vào việc phá bỏ, tái canh và trồng mới trong 5 – 10 năm tới. Tuy nhiên, sẽ có sự thay đổi trong xu hướng sản lượng hiện tại cũng như tiêu thụ trong tương lai gần.

Nguồn: VITIC