Theo thống kê của Cục thuế TP Hà Nội, tính đến ngày
30/6/2015, có 38 dự án trên địa bàn thành phố nợ tổng cộng 2.321 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Lãnh đạo của Cục thuế TP Hà Nội cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân về việc cẩn trọng khi mua nhà tại các dự án nợ tiền sử dụng đất.
Phóng viên Vinanet đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Quang Hưng - công ty luật QBH và cộng sự về những rủi ro khi khách hàng mua sản phẩm bất động sản tại các dự án đang còn nợ đọng tiền sử dụng đất.
Luật sự Bùi Quang Hưng khẳng định, với những dự án trong diện chây ỳ hoàn thành nghĩa vụ về đất đối với nhà nước, luật pháp quy định sẽ không cấp sổ đỏ cho những sản phẩm bất động sản thuộc dự án đó. Vì thế, người dân khi bỏ tiền ra mua nhà sẽ không được nhận sổ đỏ chứng mình quyền sử dụng đất của mình.
Luật sư Hưng phân tích thêm, về nguyên tắc khi chưa nộp tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp không được quyền ký hợp đồng mua bán bất động sản. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn tồn tại một thực tế, khi mua bán xong xuôi, kết thúc hợp đồng, chủ đầu tư cầm tiền và giao nhà, thu lợi nhuận, nhưng vẫn ngoan cố không tự giác trả tiền sử dụng đất cho nhà nước.
Theo quan điểm của ông Bùi Quang Hưng, nạn nhân trực tiếp lúc này chính là khách hàng khi không nhận được sổ đỏ. Đã có không ít những trường hợp chủ đầu tư và khách hàng đưa nhau ra tòa vì vấn đề này.
Tuy nhiên, khách hàng chưa phải là người thiệt hại lớn nhất trong vấn đề nợ tiền sử dụng đất mà là nhà nước.
"38 dự án của Hà Nội nợ tới hơn 2.321 tỷ đồng tiền sử dụng đất, vậy con số của cả nước sẽ là bao nhiêu? Số tiền này vốn dĩ được bổ sung vào ngân sách nhà nước. Người thiệt hại lớn nhất ở đây chính là nhà nước" - luật sư Bùi Quang Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng phân tích thêm, để xảy ra hiện trạng này do cơ chế của luật pháp chưa thật rõ ràng, chưa có sự nhìn nhận tiền sử dụng đất như một loại thuế. Thậm chí, vẫn tồn tại những trường hợp linh động theo kiểu doanh nghiệp chỉ cần có vốn đầu tư xây được móng công trình, sau đó mở bán để thu hút vốn đầu tư từ khách hàng. Khi bán hàng xong mới trả tiền sử dụng đất, điều này dẫn đến sự chây ỳ, vô trách nhiệm của doanh nghiệp.
Luật sư Bùi Quang Hưng kiến nghị, cần bổ sung các chế tài, quy định mạnh mẽ hơn như áp dụng tính lãi suất vào các khoản nợ tiền sử dụng đất, kiên quyết không cho bán dự án khi chưa thu đủ tiền sử dụng hoặc không cấp phép xây dựng khi doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất.
"Những biện pháp siết chặt như vậy sẽ khiến thị trường BĐS được thanh lọc, xóa bỏ các nhà đầu tư "tay không bắt giặc", duy trì những doanh nghiệp có tiềm năng tài chính và uy tín. Đồng thời, nguồn tài nguyên đất không bị sử dụng một cách lãng phí trong thời buổi tấc đất tấc vàng như hiện nay." - Luật sư Bùi Quang Hưng nhận định.
Minh Tú