menu search
Đóng menu
Đóng

Buôn lậu, hàng giả từ que tăm, bông tai... đến iPhone

13:59 28/08/2015

Vinanet - Cơ quan chức năng ra quân bắt rất nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. 

Ngày 28/8, Tổng cục Hải quan phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giải và gian lận thương mại (389) tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình chống buôn lậu thời gian qua. 

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh văn phòng Ban 389 quốc gia cho biết, 7 tháng qua đã có gần 130.000 vụ vi phạm bị bắt giữ, thu nộp ngân sách gần 4.000 tỷ đòng, tổng số vụ khởi tố 800 vụ và hơn 1.000 đối tượng bị bắt giữ. Tuy nhiên thực tế tình hình buôn lậu vẫn phức tạp.

Theo ông Cẩn, điều đáng buồn là các hàng tiêu dùng ở Việt Nam từ tăm tre, bông tai, quần áo, điện thoại iPhone,... đều bị làm giả. Hàng hóa chủ yếu được tuồn từ biên giới Trung Quốc vào Việt Nam. 

Các đối tượng làm giải rất tinh vi, nhái các thương hiệu lớn của Việt Nam với bao bì, mẫu mã, thời gian bảo hành không khác gì hàng chính hiệu. Thậm chí các huân chương, kỷ niệm chương cũng được các đối tượng buôn lậu mang từ bên kia biên giới về Việt Nam. 

Ông Cẩn cũng cho rằng, hàng giả tràn lan trên thị trường nhưng phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn chưa quan tâm đến việc phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Nhiều doanh nghiệp thờ ơ, sợ ảnh hưởng đến doanh thu, sức cạnh tranh khi lên án, tố giác hàng giả. 

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp, đại lý đặt hàng giả từ Trung Quốc để trà trộn với hàng thật với mục đích ăn chênh lệch giá; nghĩa là bản thân doanh nghiệp cũng đã tiếp tay cho buôn lậu và hàng giả.

"Một năm, riêng với hàng giả, lực lượng chức năng bắt khoảng 19.000 vụ vi phạm nhưng buồn là số doanh nghiệp quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay."- Ông Cản nêu thực tế.

Chánh văn phòng Ban 389 cũng nhấn mạnh, quan điểm của 389 là bắt được vụ buôn lậu, gian lận thương mại thì kịp thời công khai, trừ các vụ việc theo yêu cầu nghiệp vụ chưa công khai được. "Khi đã công khai phải điều tra, xử lý nghiệm, không có vùng cấm trong chống buôn lậu"- Vị này nhấn mạnh.

 

 

Bảy tháng qua,  ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 11.498 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 118 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 90 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 9 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 42 vụ án hình sự.

Trọng tâm công tác chống buôn lậu thời gian tới là kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, sức khoẻ cộng đồng, môi trường như: ma tuý, vũ khí, tài liệu phản động, động vật hoang dã, gỗ, xăng dầu, khoáng sản, ngoại tệ, vàng, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, ôtô, máy móc thiết bị, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng bách hóa Trung Quốc, hàng thời trang, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm,..

Ông Lê Xuân Huế, Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan

 

Phương Ngọc