menu search
Đóng menu
Đóng

Thông tin bổ sung về chương trình giám sát cá da trơn

09:25 30/05/2016

Ngày 25 tháng 5 năm 2016, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo (55/43), Thượng viện Hoa Kỳ đã nhất trí với Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn do Thượng nghị sỹ John McCain bảo trợ trong Chương trình rà soát lại các Luật đã ban hành của Quốc hội Hoa Kỳ.
Để có hiệu lực, Nghị quyết này còn phải được Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua và được Tổng thống Obama ký ban hành thành luật. Tuy nhiên, đây là bước đi đầu tiên quan trọng, tạo đà cho việc tiến tới loại bỏ hoàn toàn Chương trình giám sát cá da trơn.
1. Lịch sử vấn đề
Chương trình giám sát cá da trơn ("Chương trình") lần đầu tiên được luật hóa tại đạo luật Nông trại năm 2008 (Farm Bill 2008). Theo đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa cá da trơn (catfish) vào diện kiểm tra bắt buộc vốn đang được áp dụng đối với các loại thực phẩm có nguy cơ cao như thịt đỏ và gia cầm. Điểm gây tranh cãi trong quy định này là các sự cố an toàn thực phẩm diễn ra vào thời điểm đó không liên quan đến cá da trơn, làm dấy lên những nghi ngờ về việc hạn chế nhập khẩu cá da trơn để bảo vệ ngành công nghiệp nuôi cá da trơn của Hoa Kỳ.
Trước những tranh luận trong nội bộ Hoa Kỳ và sự phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam, chương trình kiểm tra quy định tại đạo luật Nông trại năm 2008 đã không được đưa vào thực thi. Tuy nhiên, đến năm 2014, trong đạo luật Nông trại 2014, chương trình lại tiếp tục được luật hóa với việc xác định rõ phạm vi áp dụng là đối với tất cả các loài cá thuộc bộ Siluriformes. Đây là một sự mở rộng phạm vi áp dụng của chương trình, đưa toàn bộ các sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam vào diện kiểm tra bắt buộc.
Trên cơ sở đạo luật Nông trại 2014, ngày 2 tháng 12 năm 2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã ban hành quy định chính thức về việc áp dụng chương trình giám sát cá da trơn. Theo đó, Chương trình sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 3 năm 2016, với thời gian chuyển tiếp là 18 tháng, và sẽ có hiệu lực toàn phần vào ngày 1 tháng 9 năm 2017.
2. Cơ chế áp dụng
Việc ban hành Chương trình đã đưa cá da trơn từ diện sản phẩm không có nguy cơ cao sang diện sản phẩm có nguy cơ cao, và chuyển trách nhiệm giám sát từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
2.1 Cơ chế của FDA
Trước thời điểm Chương trình được luật hóa, thẩm quyền kiểm soát cá da trơn thuộc về FDA, theo đó, sản phẩm cá da trơn được xếp vào diện không có nguy cơ cao và việc kiểm soát chủ yếu dựa trên trách nhiệm của nhà nhập khẩu.
2.2 Cơ chế của USDA
USDA đã xây dựng cơ chế kiểm soát cá da trơn dựa trên các nguyên tắc kiểm soát thịt đỏ. Theo đó, USDA sẽ phải tiến hành điều tra hệ thống kiểm tra của nước xuất khẩu để xác định rằng hệ thống kiểm tra đó đảm bảo việc tuân thủ của các cơ sở nuôi trồng và sản xuất cá đối với các quy định hiện hành của Hoa Kỳ do USDA áp dụng. Việc điều tra được tiến hành dựa trên 4 tiêu chí gồm năng lực quản lý, các quy định pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm, hệ thống thực thi và giám sát, và kiểm tra định kỳ. Các tiêu chí trên sẽ đặt toàn bộ hệ thống pháp luật và thực thi liên quan của nước xuất khẩu dưới sự giám sát của USDA.
Nếu hệ thống kiểm tra được đánh giá là đạt yêu cầu, USDA sẽ đưa quốc gia đó vào diện được phép xuất khẩu các sản phẩm cá thuộc bộ Siluriformes sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ những cơ sở được chứng nhận của quốc gia đó mới được phép xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sang Hoa Kỳ. Để được coi là một cơ sở được chứng nhận, cơ sở đó phải được cán bộ USDA tiến hành kiểm tra, đánh giá, và chứng nhận. Việc kiểm tra, đánh giá, và chứng nhận được tiến hành định kỳ.
Như vậy, việc kiểm soát của USDA được tiến hành song song ở hai cấp độ: cấp quốc gia và cấp cơ sở.
3. Đánh giá
Chưa có thống kê chi tiết về mức độ chi phí gia tăng đối với việc áp dụng chương trình trên đối với cá tra và cá basa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các chi phí về tiếp đón cán bộ USDA, chi phí thí nghiệm, kiểm tra mẫu, và các chi phí có liên quan là không hề nhỏ. Theo một số đánh giá sơ bộ, việc tuân thủ các quy định của USDA sẽ làm gia tăng ít nhất 10% giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, việc bị USDA đánh giá là không tuân thủ, mà đây là rủi ro cao, sẽ đẩy các cơ sở nuôi trồng và chế biến cá tra và basa của Việt Nam vào diện không thể xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ.
Nguồn: Bộ Công Thương