menu search
Đóng menu
Đóng

FPTS: 5 nhóm doanh nghiệp hưởng lợi khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

15:34 21/07/2015

Vinanet - Tròn 3 năm vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh, báo cáo FPTS cho rằng được hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp có chiến lược chào giá tốt để gia tăng lợi nhuận, ví dụ các nhà máy thủy điện, nhà máy điện cũ, nhà mát điện có chi phí sản xuất thấp....

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) vừa ra báo cáo ngành điện tháng 7/2015, trong đó nhấn mạnh vai trò và sự thay đổi của ngành điện khi có thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM). 

Đây cũng là năm thứ 3 thị trường phát điện cạnh tranh đi vào vận hành, từng bước phát triển thị trường một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp cho khách hàng.
5 nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi
Theo FPTS, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ VCGM sẽ là các doanh nghiệp có chiến lược chào giá tốt để gia tăng lợi nhuận cho mình. FPTS khẳng định, sau một thời gian VCGM đi vào vận hành, có 5 nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi, gồm: (1) Các nhà máy thủy điện; (2) Các nhà máy điện cũ; (3) Các nhà máy điện có chi phí sản xuất thấp; (4) Các nhà máy điện ở miền Nam và (5) Các nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết năm.

Đối với các nhà máy thủy điện
, FPTS đánh giá có lợi thế hơn so với các nhà máy nhiệt điện bởi thủy điện không có chi phí nhiên liệu giúp giá thành sản xuất thủy điện thấp hơn. Do đó, các doanh nghiệp thủy điện có thể chào giá thấp hơn so với nhiệt điện.

Đối với các nhà mát điện cũ, lợi thế nằm ở các loại chi phí phát điện đã giảm khiến giá thành sản xuất thấp hơn so với các nhà máy điện mới.  Theo cơ chế đàm phán giá PPA mới, điều này dẫn đến đa phần giá Pc (giá phân phối) của các nhà máy điện cũ sẽ thấp hơn so với các nhà máy điện mới, giúp các doanh nghiệp này có thể chào giá Pc cạnh tranh hơn để thu được nhiều lợi nhuận hơn từ VCGM.

Đối với các nhà máy điện có chi phí sản xuất thấp cũng tương tự như 02 trường hợp trên, các nhà máy điện, kể cả nhiệt điện, có chi phí sản xuất thấp sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tham gia VCGM.

Đối với các nhà máy điện ở miền Nam, đây là khu vực chiếm đến 50% tổng tiêu thụ điện cả nước, trong khi công suất đường dây truyền tải điện có hạn, do đó các nhà máy điện ở miền Nam thường được ưu tiên huy động trước nhằm đảm bảo cung ứng điện cho khu vực này, đặc biệt vào mùa khô, các nhà máy nhiệt điện ở phía nam có thể chào giá rất cao (các nhà máy thủy điện chưa có nhiều nước để chào bán) để gia tăng lợi nhuận.

Đối với các nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết năm, đây là điểm lợi thế của các nhà máy này khi có khả năng tích trữ nước để chào bán điện vào mùa khô (giá bán điện trên thị trường vào mùa khô cao hơn so với mùa mưa), nhờ đó có lợi thế hơn về giá bán. Đối với các nhà máy thủy điện có hồ chứa nhỏ, vào mùa khô các nhà máy này thường không có nước để huy động sản lượng cao. Còn vào mùa mưa, khi nước về nhiều, các nhà máy này buộc phải chào bán (giá bán trên thị trường vào mùa mưa thấp) do không có khả năng tích trữ nước lâu dài.

Tuy nhiên, theo FPTS, VCGM ra mắt và vận hành nhưng ngành điện về cơ bản vẫn độc quyền. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để có thể phá vỡ thế độc quyền ngành và xây dựng một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, minh bạch, đó là việc tách đơn vị điều hành HTĐ Quốc gia (NLDC) và đơn vị trung gian mua bán điện (EPTC) ra khỏi EVN. 

11 nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh

Trong số 21 nhà máy điện niêm yết, FPTS thống kê có 11 nhà máy đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh gồm Phả Lại 1 & 2 (PPC), Thác Bà (TBC), A Lưới (CHP), Vĩnh Sơn, Sông Hinh (VSH), Krong Hnang (SBA), Thác Mơ (TMP), Đa Dâng 2 (SHP), Nhơn Trạch 2(NT2). Nhà máy Đa M’bri của SHP chỉ mới bắt đầu tham gia VCGM từ năm 2015. 

Cũng theo thống kê của FPTS, trong 2 nhà máy nhiệt điện lớn niêm yết, chỉ có NT2 hiện đang hưởng lợi trên VCGM (năm 2014 doanh thu tăng thêm khoảng 148 tỷ đồng nhờ VCGM). Tuy nhiên, triển vọng cạnh tranh của nhóm này có thể sẽ gặp những thách thức trong tương lai khi chi phí của các nhà máy này tăng theo lộ trình tăng giá nhiên liệu. 

Sau 2 năm kể từ khi đi vào hoạt động, giá thanh toán trên VCGM bình quân là 1.062,4 đồng/kWh, cao hơn giá hợp đồng PPA của các doanh nghiệp thủy điện. Giá bán điện bình quân năm 2014 của NBP và BTP cao nhất trong ngành bởi đây là 2 nhà máy nhiệt điện cũ, suất tiêu hao nhiên liệu cao, hợp đồng PPA lại được đàm phán cho từng năm nên giá bán đội lên rất cao để bù đắp phần giá than và khí tăng lên trong năm. 
Giá bán điện cao trong khi hiệu quả hoạt động không cao là lý do NBP và BTP không phải là ưu tiên điều độ của EVN. Các doanh nghiệp sở hữu nhà máy điện nhỏ như SEB, SBA, SHP, DRL có giá bán rất tốt (bình quân trên 900 đồng/kWh) nhờ được áp dụng biểu giá chi phí tránh được.

FPTS cũng dẫn thêm ví dụ về CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH). Giá bán điện thấp, khả năng hoạt động hiệu quả, ổn định là những lợi thế rất lớn của VSH khi tham gia VCGM. Công ty này hiện đang sở hữu 2 nhà máy thủy điện lớn là nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn (66 MW) và thủy điện Sông Hinh (70 MW). Sản lượng điện bình quân 3 năm gần nhất lên đến 730 triệu kWh, tương đương với khoảng 5.000 giờ vận hành ở công suất tối đa, cao hơn nhiều so với bình quân các nhà máy ở miền trung (chỉ là 3.500 giờ).  

Ngoài ra, VSH đã ký thành công hợp đồng PPA với EVN sau 5 năm dài đàm phán. Theo đó, giá bán điện của nhà máy Vĩnh Sơn là 413,7 đồng/kWh, của nhà máy Sông Hinh là 542,2 đồng/kWh. Giá bán điện thấp, khả năng hoạt động hiệu quả, ổn định là những lợi thế rất lớn của VSH khi tham gia VCGM. 
Khổng Chiêm